[Bộ truyền động] Pinion Gear Box - Nó là gì ? Ưu và nhược điểm so với Internal Gear Hub
Bài viết được viết bởi Batshop, vui lòng ghi rõ nguồn khi share
Xin chào các bạn, sau bài viết về các loại đùm số ( Internal Gear Hub ) thì có nhiều bạn nhắn yêu cầu mình viết thêm về loại đùm Pinion ( Gọi là đùm thì cũng ko chính xác lắm, chính xác phải gọi là bộ chuyển số Pinion - Pinion Gear Box ), sau đây mình sẽ gọi ngắn gọn là Pinion cho gọn
I. Pinion Gear Box là gì ?
Bộ hộp số Pinion Gear Box
- Pinion Gear Box là 1 bộ chuyển số xe đạp được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Pinion. Nói về độ phức tạp cũng như các ưu điểm thì nó còn hơn cả các loại đùm IGH cao nhất như Rohloff 14. Pinion được thành lập bởi CHRISTOPH LERMEN và lại cũng là 1 người Đức. Tất cả các sản phẩm của Pinion đều được sản xuất ở Đức .
Người phát minh ra bộ sang số Pinion - CHRISTOPH LERMEN . Nhìn là biết đẹp trai rồi
Qua nhiều năm phát triển thì Pinion đã có nhiều dòng từ 6-9-10-12 và cao nhất hiện nay là 18 số , trong khi Rohloff vẫn chỉ max là dc được 14 số . Thật ra Pinion vẫn còn rất non trẻ trong giới xe đạp ( Pinion được thành lập năm 2012 . Rohloff thì như đâu 2000 . Còn mấy cây đa cây đề như Shimano , Campagnolo, SRAM thì già khú đế rồi
Các bạn có thể xem thử clip so sánh giữa Pinion và Rohloff của các bạn khoai Tây. Hiện nay xe sử dụng Pinion ở VN vẫn rất hiếm và shop cũng chưa dc ngồi thử con nào cả nên chỉ đành ngó qua Youtube thôi
Khen nức nở :( . Khi nào shop trúng vietlott hoặc chui chạn thành công, nhất định shop sẽ sắm 1 con Pinion về review cho các bạn xem nha
Về cấu tạo thì Pinion gồm nhiều bộ bánh răng được sắp xếp với nhau, như trong hình là 3 bộ bánh răng với 6 loại bánh răng / bộ giúp bộ Pinion này có thể thay đổi dc tổng cộng 18 số
Cũng giống như IGH , Pinion là 1 bộ sang số kín hoàn toàn. Toàn bộ được nhét gọn trong khu vực trục giữa của sườn xe chứ ko nằm ở đùm sau như IGH. Do đó chỉ những sườn xe sản xuất cho Pinion mới gắn dc bộ Pinion .
Những chiếc sườn xe thiết kế để gắn Pinion nhìn sẽ hơi quái và khác hẳn sườn thông thường
Gắn vào thì nó như thế này. Ước mơ thầm kín của mọi bé trai chơi xe đạp. Mặc dù shop đẹp nhưng shop rất dễ dãi, ai quăng cho shop 1 cái sườn + 1 bộ Pinion là shop nhắm mắt đưa mông liền nha @.@
II. Ưu điểm của Pinion Gear Box
1. Dải tỉ số truyền lớn ( Gear Range )
- Bữa h nhắc đến cái này nhiều nhưng do shop dốt văn nên hành văn như hành **** nên nhiều bạn ko hiểu hay hỏi. Nay shop sẽ giải thích lại @.@
Dải tỉ số truyền ( Gear Range ) là sự chênh lệch giữ tỉ số truyền cao nhất và tỉ số truyền thấp nhất mà 1 bộ group có thể đạt được . Bộ group nào có dải tỉ số truyền càng lớn thì bạn vừa có thể đạp được tốc độ cao ở tỉ số truyền thấp, vừa có thể leo dốc nhẹ nhàng hơn ở tỉ số truyền cao. Giống như bạn đi 1 bộ group 3x10 thì nó đa dụng hơn 1 bộ group 1x12 vậy, vì bộ 3x10 có dải tỉ số truyền cao hơn bộ 1x12
Để tiện so sánh thì :
- Bộ Shimano Alfine 11 có dải tỉ số truyền là 409%
- Rohloff 14 có dải tỉ số truyền là 526% . Ngang ngửa với 1 bộ 1x12
- Bộ 3x10 có dải tỉ số truyền cao nhất hiện nay là 620%
- Và Pinion 18 có dải tỉ số truyền là 636%
Tức là dải tỉ số truyền của Pinion 18 nó cao hơn cả 1 bộ group 3x10 có dải tỉ số truyền lớn nhất hiện nay. Trong khi đó 1 lí do để nhiều bạn vẫn thích bộ 3x10 hơn 2x11 hoặc 1x12, đó là vì dải tỉ số truyền của bộ 3x10 là cao nhất .
Đây là 1 lí do để Pinion cực kì hợp cho touring lẫn MTB, vì khi cần tốc độ, anh đáp ứng dc, khi cần leo dốc nhẹ nhàng, anh cũng chơi luôn. Rất đa dụng. Dải tỉ số truyền của Pinion có thể đáp ứng dc ở tốc độ 4kmh khi leo dốc và 50kmh khi đua bơi. Để so sánh thì với guồng chân của mình thì bộ SRAM GX 1x12 có thể đạp dc 4kmh khi leo dốc, nhưng khi đua đường trường quay chân hết cỡ thì mình cũng chỉ lên được max là 32-35kmh chứ ko thể lên cao hơn do giới hạn của tỉ số truyền ( Mình đi dĩa 34 - líp 11 )
2. Độ bền cao . Chống được bụi, sình, nước
- Bộ sang số Pinon là 1 khối kín. Do đó nó ko bị gãy bát cùi đề, ko bị sình, đá,cát, cành cây lọt vào cùi đề, sên, ko sợ bị hư hỏng khi va chạm . Lại 1 ưu điểm tuyệt đối cho dân touring và MTB
3. Ít cần bảo dưỡng
- Cũng như IGH, việc duy nhất bạn cần làm là thay dầu hộp số cho Pinon.Và bạn chỉ cần làm điều này khi đạt 10.000km / lần đạp hoặc sau 1 năm, tùy theo việc nào đến trước. Mỗi lần thay khoảng 60ml và rất đơn giản, có thể tự làm tại nhà . Dụng cụ đem theo cũng gọn nhẹ và hoàn toàn có thể đem theo khi đi xa bao gồm 1 lọ dầu và 1 ống bơm. Thử tưởng tượng bạn đạp vòng quanh thế giới 20.000km mà chỉ phải bảo trì xe 1 lần xem ? Ta nói nó sướng vl
1 bộ thay dầu cho Pinion chỉ gọn nhẹ như vầy, ngoại trừ lọ dầu thì mấy cái kia khá dễ kiếm hoặc chế.
Ngoài ra Pinion còn có thể sử dụng đai truyền động ( belt ) như IGH, và bạn cũng sẽ không cần phải vệ sinh sên hoặc châm nhớt nữa nếu xài belt. So với sên thì nó có nhiều ưu điểm
+ Bền hơn, 1 đai truyền động có thể hoạt động dc từ 20.000 - 30.000km mới cần thay thế
+ Hoạt động êm hơn, ko có tiến lào xào như sên
+ Sạch sẽ, không cần chăm nhớt
Pinion có thể xài belt
4. Hạn chế tối đa hư hỏng do va chạm :
- Do toàn bộ những gì dễ hư hỏng nhất của 1 chiếc xe đạp ( cùi đề, bát cùi đề, sang dĩa, líp vvv ) đều được gom lại thành 1 cục nằm ngay dưới sườn thì các xác suất hư hỏng do va chạm của bộ sang số Pinion được giảm tối đa. Lại 1 lí do nữa cho dân touring và MTB để mua xe dùng Pinion
5. Sên bền hơn
- Với việc sử dụng Pinion, sên ko bị căng, ko bị chéo, ko bị tiếp xúc với quá nhiều bánh răng như bộ sang số DR . Do đó sợi sên sẽ ít bị ảnh hưởng và bền hơn nhiều lần so với bộ sang số DR. Ngoài ra sên dùng cho Pinion cũng có thể thiết kế bản to, vật liệu dày hơn so với DR ( Bạn cứ thử nhìn sợi sên 12 speed với sợi sên 8 speed sẽ thấy sự khác biệt, sên 12 speed nó rất nhỏ và mỏng ). 1 sợi sên hoặc belt của Pinion có thể dùng được đến 20.000 mới phải thay, lâu hơn gấp 4-5 lần so với sên dùng cho DR. Ngoài ra việc tăng sên cũng rất dễ dàng, giống như tăng sên xe máy vậy .
6. Lên / xuống số 1 lần được nhiều số, mượt mà và ít delay
Cơ cấu thay đổi số của Pinion giúp nó có thể lên / xuống lần đến 8 số mà vẫn mượt mà, trong khi đó DR chỉ lên dc tầm 3-4 số và cũng ko mượt được do cần quá nhiều bộ phận chuyển động ( tay bấm kéo dây đề, dây đề kéo cùi đề sau, cùi đề sau kéo sên ).
Ngoài ra khi dùng Pinion bạn có thể sang số ngay cả khi xe đứng yên hoặc chạy với tốc độ chậm, trong khi với DR thì phải quay giò dỉa thì mới sang số được. Cái này rất hữu ích khi xe leo dốc hoặc thay đổi độ dốc đột ngột. Nếu bạn đã từng phải nhảy xuống xe để quay giò trả về líp lớn nhất do không trả số kịp, bạn sẽ hiểu điều này.
Ngoài ra tỉ lệ Gear step ( hay còn được hiểu là sự chênh lệch về lực đạp mỗi khi bạn chuyển số ) cũng thấp hơn.
Gear Step của các bộ group
10-52t SRAM 12 tốc độ - 15%
10-51t Shimano 12 tốc độ - 14,7%
11-42t Shimano 10 tốc độ - 14,5%
10-45t Shimano 12 tốc độ - 13,6%
11-42t Shimano 11 tốc độ - 13%
11-36t Shimano 10 tốc độ - 12,7%
Rohloff 14 : 13.6%
Pinion 18 : 11.5%
Gear step của Pinion vẫn là tốt nhất trong tất cả các bộ sang số
Pinion cũng có khả năng sang số ngay lập tức và gần như không có sự delay, do không cần nhiều bộ phận chuyển động như bộ sang số DR truyền thống. Nó cũng ko có hiện tượng giật cục do cùi đề di chuyển không kịp khi bạn sang số quá nhanh hoặc nhiều như sử dụng DR
7. Pinion cho lực kéo tốt hơn :
- Do không cần sử dụng bộ líp cũng như cùi đề, Pinion chỉ cần 1 bánh răng nhỏ phía sau để kéo sên do đó sên được rút ngắn đi nhiều, giúp tăng thêm lực kéo khi đạp .
8. Ổn định hơn
- Với toàn bộ khối lượng của bộ sang số nằm ở ngay giữa sườn, Pinion giúp xe đầm, ổn định hơn so với IGH sử dụng bộ sang số nằm ở đùm sau. Điều này giúp xe dễ điều khiển cũng như không bị ì khi đạp đường dốc / offroad. Ngoài ra nó cũng giúp khung sườn và bánh sau xe bền hơn do giảm được khối lượng cho khu vực gióng sau của xe
9. Xe gọn gàng, đẹp, độc, lạ - dễ mất hơn
Cũng như IGH, xe sử dụng Pinion sẽ gọn gàng hơn vì sử dụng ít bộ phận hơn, ngoài ra nhìn nó còn ngầu hơn nữa. Đi touring thì đẹp mà đi MTB thì ngầu :( . NGoài ra cũng dễ mất xe hơn. Shop mà thấy con Pinion nào dựng ngoài đường thì shop quăng luôn con tay ga đang đi cướp Pinion luôn
MTB đi Pinion thì cứ gọi là ngầu vl luôn vì nó thể hiện rõ sự cục súc lẫn cơ bắp
10. Không bị mất trớn nhanh như Rohloff khi ngừng đạp
- 1 lí do chính của mình khi không mua Rohloff , đó là đùm nó ko có trớn như khi sử dụng đùm thường .
Bạn có thể xem clip này để hiểu về độ ì của đùm Rohloff . Kể từ lúc ngừng đạp thì đùm chỉ duy trì được khoảng chưa tới 1 phút trước khi ngừng hẳn. Để so sánh thì đùm Novatec / SRAM mình đang xài có thể quay dc 4 phút .
Lí do là bộ sang số của Rohloff nó nằm luôn trong đùm. Mà đùm Rohloff thì có quá nhiều bộ phận, quá nhiều bánh răng nên lực ma sát rất lớn, dẫn đến nó không trớn .
Mình đã thử thả dốc cầu với xe sử dụng Rohloff thì thấy quãng đường xe đi được mà ko cần đạp rất ngắn so với con titan mình dùng đùm Novatec ==> nản
Còn với Pinion, đùm sau nó vẫn là đùm bình thường, bạn vẫn có thể gắn Novatec hay ChrisKing hay Hope hay cái quần gì thì nó cũng vẫn trớn hơn đùm Rohloff .
PS. Đùm cho Pinion sử dụng chuẩn khác với các dòng đùm thông dụng, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng được đùm của các hãng thứ 3 .
Đùm của DT Swiss làm cho Pinion
11. Có thể sử dụng các loại đùm sau khác nhau, dễ dàng tháo / thay bánh
- Khác với IGH, bạn có thể sử dụng các loại đùm sau của hãng khác như bình thường. Bạn sẽ không phải nghe tiếng kêu chán òm của đùm Rohloff từ ngày này qua ngày khác, và bạn cũng ko phải chịu đựng cái sự ì ko có trớn của đùm Rohloff khi đổ dốc Ngoài ra bạn cũng có thể thay bánh khác vào để sử dụng, còn Rohloff thì chỉ có nước đem đi rút căm lại. Với dân MTB có nhiều bộ bánh cho nhiều địa hình đua thì đây là 1 lợi thế
III. Nhược điểm của Pinion
1. Mắc :
- Cái này nói ra cho thêm đau lòng, phận là ngọn cỏ bên đường sao dám với tới mây xanh trên trời cao. Pinion nó mắc cả bộ gear lẫn sườn luôn
2. Pinion nặng :
- Trong các bộ truyền động thì hiện nay bộ sử dụng Pinion là nặng nhất :
+ Bộ SRAM GX 1x12 có trọng lượng khoảng 2kg2
+ Bộ Rohloff 14 có trọng lượng khoảng 3kg2
+ Bộ Deore 3x10 có trọng lượng khoảng 2k8
+ Bộ Pinion 18 có trọng lượng khoảng 3kg9
3. Hiệu suất kém
- Ở bài phân tích bộ IGH sử dụng Rohloff 14, mình đã thấy bộ Rohloff nó ì hơn hẳn bộ SRAM GX mình đang dùng, nhưng ở Pinion thì nó còn ì hơn cả Rohloff .
Lí do là trong Pinion, số lượng các bánh răng còn nhiều và phức tạp hơn cả Rohloff , do đó lực ma sát nó nhiều hơn nên hiệu suất đạp của bạn sẽ bị suy giảm. Lực từ chân bạn truyền xuống pedal sẽ bị suy giảm sau khi đi qua vô số bánh răng rồi mới tới dc dĩa .
Cụ thể, hiệu suất bị suy giảm của Pinion so sánh với các dòng đùm số khác : Cách đo là tác động 1 công suất 200 watt vào pedal, sau đó đo công suất thu được khi quay bánh sau
- Single Speed : 97%
- Shimano Ultegra 2X : 96.2 %
- SRAM Force 1X : 95.1 %
- Rohloff 14 : 94.5%
- Pinion 18 : 90.5%
- Shimano Alfine 11 : 90.5%
- Shimano Nexus 8 : 90%
4. Pinion kén sườn
- So với IGH thì Pinion kén sườn hơn nhiều vì sườn sử dụng Pinion phải được thiết kế chuyên dụng và ko thể sử dụng được với các bộ sang số sử dụng DR. Còn IGH bạn vẫn có thể sử dụng cả 2 loại IGH và DR trên cùng 1 loại sườn nếu sườn đó hỗ trợ
Sườn sử dụng cho Pinion có thiết kế chỉ tương thích với Pinion
5. Khó sửa chửa, hãng ko cung cấp dịch vụ sửa chửa cho bên thứ 3
- Dù bộ Pinion rất bền, nhưng nó vẫn có xác suất bị hư hỏng như xì dầu. Và cái xui là Pinion hiện không cung cấp dịch vụ sửa chữa cho các bên thứ 3 như Rohloff ( Rohloff vẫn nhận sửa chữa đùm của hãng ở những cửa hàng xe đạp có chứng nhận của Rohloff ). Cách duy nhất đề sửa Pinion ( theo đúng luật ) , là bạn phải gửi bộ Pinion về cho hãng ở Đức .
6. Phụ tùng khó kiếm, khó thay thế
- Pinion vẫn còn khá mới mẻ và hiếm kể cả ở những nước xe đạp phát triển mạnh, nên chuyện tìm phụ tùng thay thế hoặc tương thích rất khó
7. Sử dụng tay vặn thay vì tay bấm
Cái này có thể là ưu, cũng có thể là nhược đối với nhiều người. Mục này mình quên nói ở bên đùm IGH.
Các bộ sang số như IGH và Pinion sử dụng tay vặn thay vì tay bấm như các bộ sang số dùng DR. Mình đã thử dùng cả 2 thì vẫn thấy tay bấm nó linh hoạt và dễ dùng hơn do sử dụng ngón tay. Còn tay vặn bạn phải sử dụng bàn tay nên có cảm giác ko thoải mái cũng như không nắm được chắc khi vừa offroad vừa vặn sang số
8. Có sự delay khi bắt đầu đạp
- Cơ chế hoạt động của Pinion nó dẫn đến 1 sự delay nhẹ khi bạn bắt đầu đạp :
+ Ở Rohloff và các bộ sang số sử dụng DR , ngay khi bạn tác động lực vào pedal ( bắt đầu đạp ), lực sẽ tác động đến giò dĩa ==> sên ==> kéo líp ==> bánh quay
+ Còn ở Pinion, ngay khi bạn đạp, lực nó sẽ đi qua 1 đống bánh răng rồi nó mới truyền được tới giò dĩa ==> sên ==> bánh sau. Do đó nó sẽ có 1 sự delay trước khi bạn cảm thấy bánh xe sau quay
IV. Ưu điểm của Pinion so với Rohloff
- Pinion có dải tỉ số truyền cao hơn Rohloff : 623% so với 526%
- Pinion có Gear Step nhỏ hơn Rohloff : 11.5% so với 13.6%
- Hoạt động êm hơn Rohloff
- Có thề sử dụng đùm của các hãng khác, thay bánh dc
- Thời gian sử dụng lâu gấp đôi Rohloff ( 10.000km mới phải thay dầu, Rohloff là 5.000km )
- Xe đầm hơn, vững hơn do trọng tâm nằm giữa xe
- Bảo hành lâu hơn ( Pinion BH 5 năm , còn Rohloff BH 2 năm )
V. Ưu điểm của Rohloff so với Pinion :
- Rohloff cho hiệu suất tốt hơn Pinion
- Rohloff nhẹ hơn Pinion ( 3kg2 vs 3kg9 )
- Rohloff rẻ hơn Pinion
- Ít delay hơn Pinion
- Dễ sửa chữa hơn, có thề sửa ở các bên dịch vụ thứ 3