[Phuộc] Phuộc nhún xe đạp là gì ?Có những loại phuộc nhún nào - Ưu và nhược điểm

Bài viết được viết bởi Batshop, xin vui lòng ghi rõ nguồn khi share 

Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ viết 1 bài về phuộc nhún xe đạp, 1 bộ phận ko thể thiếu trên xe đạp MTB

I. Phuộc nhún xe đạp là gì ?

- Phuộc xe đạp là bộ phận có tác dụng hấp thu lực khi bạn đạp. Bạn có thể ko cần phuộc nhún khi đạp đường nhựa, nhưng khi chạy offroad thì phuộc nhún là thứ rất quan trọng vì ko có nó thì rất dễ gặp cảnh vỡ tan trứng cút hay còn gọi là từ đó họa mi trong anh không còn hót nữa ....
- Nếu bạn chỉ đạp xe đi làm, đi trong thành phố, đi touring onroad, các bạn có thể bỏ qua phuộc nhún vì nó ko có tác dụng gì mấy ngoại trừ chuyện đẹp hoặc đỡ dằn khi qua mấy cái gờ giảm tốc. Nhưng đổi lại bạn sẽ mất rất nhiều thứ vì :
+ Phuộc nhún nặng hơn phuộc đơ
+ Phuộc nhún chạy mất lực nhiều hơn phuộc đơ ( 1 phần lực các bạn bỏ ra sẽ bị cái phuộc nó hấp thu khi nhún , dù có thể khóa phuộc nhưng chạy mà khóa phuộc miết thì chạy lcmg )
+ Phuộc nhún phải bảo trì thường xuyên
+ Phuộc nhún mắc hơn phuộc đơ ( mấy cái phuộc nhùn cùi thì đi còn cứng hơn phuộc đơ xịn - tin mình đi )

Phuộc nhún xe đạp gồm có 3 loại là :
- Phuộc trước
- Phuộc giữa
- Cốt yên nhún

Còn công nghệ nhún hiện nay có 2 loại chủ yếu là :
- Phuộc hơi ( Air fork )
- Phuộc lò xo ( Coil Fork )
- Ngoài ra còn có phuộc dùng công nghệ Needle Bearing của Cannondale Lefty , các bạn có thể đọc thêm ở đây :


[Fork] Cannondale Lefty - Phuộc gì có 1 giò vậy chạy có té sml ko ? Lịch sử, công nghệ của Cannondale Lefty

Sau đây mình tạm chia ra 3 loại
- Xe không có phuộc nhún thì gọi là xe phuộc đơ  (Rigid bike ) 
- Xe có 1 phuộc nhún thì gọi là xe 1 phuộc ( Hard Tail bike )
- Xe có 2 phuộc trở lên thì gọi là xe 2 phuộc ( Full-Supension )

Con Scott của mình là Hard Tail và con Taokas của má đường là Full-Supension

1. Phuộc trước :

Đây là loại thông dụng nhất, hầu như xe MTB nào cũng có gắn 

 


Tên các vị trí của 1 cây phuộc trước xe đạp :

- Cổ phuộc : Đây là nơi để gắn phuộc vào xe, cổ phuộc thường chia ra 2 loại là cổ thẳng ( Straingt ) và cổ nở ( Tapered )
- Van khí để bơm phuộc
- Ống trong đảm nhận nhiệm vụ di chuyển ( nhún )
- Ống ngoài
- Dropout : lỗ bắt ti đùm
- Nút phía dưới ống phuộc để rebound phuộc
- Ti phuộc : Hiện có 2 chuẩn là QR và Axle Thru
- Cầu phuộc : Cố định ống ngoài của phuộc
- Vai phuộc : Cố định ống trong và cổ phuộc
- Nút chỉnh : chỉ qua chế độ nhún hoặc lock

 

Cấu tạo bên trong của 1 cây phuộc trước xe đạp loại phuộc hơi loại Up-Side- Down 

Độ di chuyển tối đa của 1 cây phuộc, hay còn gọi là hành trình. Đối với những dòng XC thì có thể từ 100-120mm . Đối với những dòng Downhill có thể lên đến 180mm

Tùy vào hành trình phuộc mà ta chia ra thành từng loại :

+ Cross-Country : Hành trình 100-120mm
+ Trail / All-Mountain : Hành trình 120-150mm
+ Enduro : 150-180mm
+ Downhill : 180-200mm

 

Phuộc dành cho Downhill thường có thiết kế hành trình dài và 2 vai phuộc để đảm bảo độ cứng cũng như tăng khả năng nhún đều 2 bên cho phuộc

2. Phuộc sau

- Phuộc sau là phuộc gắn vào giữa sườn xe đạp

Đây là cách phuộc sau xe đạp hoạt động, để gắn được phuộc sau xe thì sườn xe bạn phải hỗ trợ

Phuộc sau cũng có 2 loại là Air fork và Coil Fork, khác với phuộc trước là Air hay Coil thì bề ngoài đều như nhau, phuộc sau các bạn có thể bân biệt dễ dàng bằng bề ngoài

Phuộc sau dùng Air

Phuộc sau loại dùng Coil

Nguyên tắc chung của các loại phuộc nhún đó là khi có lực tác động thì phuộc sẽ nhún ( nén lò xo / không khí bên trong phuộc - sau đó bung trở lại thông qua các van giảm chấn ( damper ).

Hiện nay có 2 loại phuộc nhún phổ biến là sử dụng nén bằng không khí ( Air ) và nén bằng lò xo ( Coil ). Vậy ưu và nhược điểm của 2 loại này như thế nào:

Phuộc Coil thì dùng lò xo để nhún . Do lò xo làm bằng kim loại nên phuộc Coil nặng hơn phuộc Air và cũng khó canh chỉnh độ cứng hơn phuộc Air. Bù lại phuộc Coil cứng hơn và bền hơn so với phuộc Air. Những xe DownHill cần độ bền và độ cứng thì thường sử dụng phuộc Coil

Phuộc sau dùng Coil


Phuộc Air có loại Dual Air ( cả 2 ống đều là Air ) Hoặc Solo Air ( 1 ống Air 1 ống lò xo )

Để thay đổi áp suất cho phuộc thì bạn cần tháo nút chặn có chữ AIR trên vai phuộc ra. Tất cả các van bơm phuộc đều là van Mỹ ( van xe máy ) và nó cần bơm áp lực cao ( 300-400 PSI để bơm ) . Bạn cần bơm đúng PSI theo trọng lượng của bạn. Lưu ý trọng lượng ở đây là của toàn bộ người bạn ( bao gồm trọng lượng cơ thể + balo + túi nước )
Nếu bơm quá căng ( dư hơi ) thì phuộc sẽ cứng, đi đường xấu nó sẽ không nhún tốt
Nếu bơm thiếu hơi thì phuộc sẽ mềm, nó sẽ dễ đi hết hành trình phuộc và bị va chạm các ống bên trong dẫn đến hư phuộc

Rebound : Điều chỉnh độ phản hồi của phuộc. Nói cho dễ hiểu thì đây là thời gian phuộc trở lại vị trí đầu sau khi nhún xuống. Tăng độ rebound sẽ khiến phuộc mất nhiều thời gian hơn để trở lại vị trí ban đầu, còn giảm độ rebound sẽ khiến phuộc trở lại vị trí ban đầu nhanh hơn.  Khi phuộc bị nén, dầu từ khoang này sẽ chảy qua khoang khác thông qua các van, khi phuộc trở lại vị trí cũ thì dầu sẽ chảy ngược về lại. Mỗi phuộc sẽ có 2 khoan chứa dầu, 1 khoan cho hành trình nhún và 1 khoan cho hành trình nhả . Việc thay đổi Rebound chính là thay đổi đường kính lỗ van giữa 2 khoan : Đường kính lớn thì dầu chảy ngược về nhanh hơn ==> Rebound nhanh. Đường kính nhỏ thì ngược lại ==> Rebound chậm hơn

Khóa phuộc : Khóa phuộc có thể khóa ngay trên vai phuộc, hoặc khóa bằng remote. Khóa phuộc giúp phuộc ko bị nhún, phù hợp cho khi bạn chạy đường nhựa, đỡ mất lực. 1 số cây phuộc xịn ( như cây fox 32 mình đang đi ) thì nó có 3 chế độ là Khóa hoàn toàn / Mở hoàn toàn / và 1 chế độ ở giữa là nó vẫn nhún nhưng chỉ nhún 10% giúp vẫn êm ái khi chạy đường nhựa nhưng không mất lực nhiều 

Khóa trên vai phuộc


 

 

 

Khóa phuộc bằng remote gắn ở ghidong, dành cho các tay đua. Còn xe mình chạy tàng tàng nên mình tháo ra luôn cho gọn gàng, khi nào cần mở thì ngừng lại mở thôi

Sau đây chúng ta sẽ bàn về 2 loại công nghệ phuộc chủ yếu hiện nay là Air Fork và Coil For

II. Air Fork - Phuộc hơi

Phuộc Air là loại phuộc sử dụng khả năng nén của không khí . Bên trong phuộc Air là các buồng khí, khí có lực tác động ( nhún ) thì các buồng khí này bị nén lại và đến 1 mức nào đó thì nó sẽ bung ra lại và trở về vị trí cũ ( kết thúc 1 hành trình nhún ) thông qua các giảm chấn
- Ở phuộc Air thì bên trong phuộc là không khí. Bạn có thể dễ dàng thay đổi áp suất bên trong phuộc ( tăng giảm độ cứng ) bằng cách bơm áp suất cao hay thấp cho phuộc bằng bơm phuộc .
Note : Mỗi dòng phuộc có yêu cầu áp suất ( PSI ) khác nhau và cho từng trọng lượng cơ thể khác nhau. VD khi bạn nặng 80kg, bạn sẽ cần bơm PSI cao hơn bạn nặng 70kg - các thông số này thường được in trên phuộc hoặc trong manual của nhà sản xuất
Do áp suất không khí dễ điều chỉnh bằng cách tăng / giảm PSI nên việc canh chỉnh phuộc Air dễ dàng hơn, cũng như không khí thì nhẹ, nên phuộc Air có trọng lượng nhẹ hơn phuộc Coil
Tuy nhiên nguyên tắc của áp suất không khí là nó theo dạng lũy tiến. Tức là càng ép nó thì nó sẽ càng cứng. VD cho bạn dễ hiểu là cây phuộc bạn có hành trình 100mm thì 50mm phuộc nhún rất nhẹ, nhưng 50mm sau thì nó sẽ nặng hơn. Theo đo đạc thì cần 1 lực 500Newton để phuộc di chuyển 50mm, nhưng cần đến 1 lực 1500Newton để phuộc nó di chuyển thêm dc 50mm nữa

1. Ưu điểm của phuộc Air

- Phuộc Air cho phép bạn điều chỉnh chính xác và dễ dàng độ cứng của phuộc thông qua việc bơm áp suất phuộc : Tăng áp suất thì phuộc cứng hơn, Giảm áp suất thì phuộc mềm hơn và có thể đo đạc dễ dàng thông qua đồng hồ áp suất . Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh với 1 cây bơm phuộc : VD như cung đường hôm nay là đường offroad nhẹ hoặc onroad, bạn có thể bơm phuộc cứng hơn 1 chút, còn nếu offroad nặng thì có thể xả ra 1 chút. Tương tự nếu có đổi xe cho ai nặng hơn hoặc nhẹ kí hơn thì việc điều chỉnh phuộc cũng nhanh và đơn giản

- Phuộc Air nhẹ hơn : Phuộc Air thường nhẹ hơn khoảng 300-500 gram so với phuộc Coil cùng loại. Lí do là nó không cần các lò xo bên trong ống phuộc để nhún 

- Phuộc Air khó chạm đáy ( đi hết hành trình phuộc hơn ) : Hiểu đơn giản là khi đi hết hành trình phuộc thì ống trong và ống ngoài sẽ chạm vào nhau ( như kiểu xe máy bạn chạy qua ổ gà nó kêu cái cụp ấy ) , khi chạm đáy thì dễ dẫn đến hư hỏng phuộc hoặc cổ xe do các bộ phận bị van chạm vào nhau. Phuộc Air tránh dc điều này do không khí độ nén nó tăng theo lũy thừa, sẽ cần rất nhiều lực để khiến cây phuộc Air đi hết hành trình

- Phuộc Air êm hơn : Cả về nghĩa bóng và nghĩa đen. Do không có lò xo nên bạn sẽ ko nghe tiếng lọc cọc hoặc lạch xạch mỗi khi nhún

2. Nhược điểm của phuộc Air :

- Phuộc Air có cấu tạo phức tạp, khó sửa chữa, cần bảo trì thường xuyên : Do cần giữ kín hơi bên trong phuộc nên phuộc Air có thiết kế gồm nhiều seal để giữ áp suất không khí bên trong. Các seal này dễ bị ảnh hưởng bởi cát, bụi bẩn dẫn tới xì dầu, xì hơi hơn phuộc Coil . Ngoài ra ma sát giữa 2 thành ống của phuộc Air cũng cao hơn phuộc Coil, do đó nó cũng ảnh hưởng tới độ lão hóa của dầu phuộc và cần thay thế thường xuyên hơn phuộc Coil . Các nhà sản xuất thường yêu cầu bảo dưỡng toàn bộ phuộc Air sau mỗi 3-6 tháng tùy vào việc bạn chạy ít hay nhiều . Fox yêu cầu bảo dưỡng toàn bộ sau 125h đạp hoặc 1 năm tùy theo điều kiện nào tới trước ( lạy chúa tôi, cây Fox32 của mình chỉ mới bảo dưỡng có 1 lần sau 2 năm đạp :( ) và RockShok yêu cầu bảo dưỡng sau 100-200 giờ đạp tùy loại model

- Phuộc Air ít nhún hơn khi có va chạm nhỏ : Vì phuộc Air nó có nhiều lớp seal giữa những buồng Air nên sẽ phải cần 1 lực đủ mạnh để tác động thì nó mới bắt đầu nhún. Do đó với những cung đường không quá xấu nhưng cũng ko thể gọi là đẹp như đường Rừng Sác Cần Giờ chẳng hạn ( Bạn nào đi rồi thì biết ) thì cảm giác nó sẽ không êm bằng phuộc Coil . NGoài ra khi đi những đường đá, sỏi thì dễ bị trượt bánh hơn do phuộc nó ko nhún nhiều dẫn đến bánh bị nảy, dễ trượt bánh

- Phuộc Air mắc hơn : 1 cây phuộc Air bao giờ giá cũng cao hơn phuộc Coil, cộng với chi phí bảo dưỡng mắc hơn và thường xuyên hơn

- Dễ cắm đầu khi thắng gấp : Như đã nói ở trên , Phuộc Air nó mềm ở hành trình đầu ( 50mm đầu tiên ) và bắt đầu cứng từ giữa hành trình đến cuối hành trình ( 50mm cuối ) nên khi bạn thắng gấp thì phuộc nó sẽ nhún rất nhanh và tạo thành 1 cái đòn bẩy hất bánh xe về phía trước,  đến dễ cắm đầu và nhỏng đít xe, nhất là khi đang đổ dốc. 

III. Phuộc lò xo :


Phuộc Coil ( Lò xo ) , như tên gọi, nó dùng các lò xo bằng kim loại để nhún.  Các lò xo này có thể làm bằng thép ( nặng vãi ) hoặc titan ( mắc vãi ). Cấu tạo của phuộc lò xo thì đơn giảm hơn gồm các lò xo , trục phuộc và các bộ giảm chấn. Độ cứng của lò xo được xác định bằng thông số Newton / mm . VD 50N/mm là cần 1 lực 50 Newton để ép lò xo xuống 1mm. Bạn có thể thay đổi độ cứng của phuộc bằng cách thay các loại lò xo khác nhau ( trong khi phuộc Air thì chỉ cần bơm hoặc xả áp suất là được )

1. Ưu điểm của phuộc Coil :

- Ít cần bảo trì, bảo dưỡng : Do cấu tạo đơn giản nên phuộc Coil không cần phải bảo trì phức tạp và định kì như phuộc Air. Phuộc Coil ít seal hơn phuộc Air, độ ma sát giữa 2 ống phuộc cũng ít hơn do đó dầu phuộc cũng lâu bị lão hóa hơn. Phuộc Coil thường cần được bảo trì toàn bộ sau 6-9 tháng nhưng thực tế thì 12-18 tháng bảo trì 1 lần cũng chả sao. Chi phí bảo trì cũng thấp hơn phuộc Air do cấu tạo đơn giản

- Phuộc Coil nhạy hơn : Do ít seal hơn nên phuộc Coil cần ít lực để bắt đầu di chuyển hành trình nhún, do đó nó nhạy hơn với các tác động nhỏ và sẽ bắt đầu nhún ngay khi có tác động chứ ko như phuộc Air. Ngoài ra độ nhạy của lò xo cũng giúp bộ giảm chấn hoạt động tốt hơn nên khả năng rebound của phuộc Coil cũng mượt hơn. Ngoài ra nó cũng giúp bám đường nhất là khi chạy đường đá, sỏi hơn do phuộc không bị nảy lên như phuộc Air

- Phuộc Coil nhún đều hơn trên toàn hành trình : Không như phuộc Air nó mềm lúc đầu hành trình và cứng lúc cuối hành trình, Phuộc Coil cho khả năng nhún đều hơn, dẫn đến offroad nặng tốt hơn. Điều này cũng giảm khả năng thắng gấp cắm đầu như trên phuộc Air

- Phuộc Coil bền hơn : Với cấu tạo đa số là kim loại : Cuộn lò xo, trục thép thì phuộc Coil ít hư hỏng và chịu va đập tốt hơn phuộc Air

- Phuộc Coil rẻ hơn : Rẻ hơn cả chi phí ban đầu lẫn chi phí bảo dưỡng

2. Nhược điểm của Phuộc Coil :

- Phuộc Coil khó điều chỉnh độ cứng của phuộc : Không như phuộc Air sử dụng tăng giảm áp suất để thay đổi độ cứng / mềm của phuộc. Muốn thay đổi độ cứng / mềm của phuộc Coil bạn chỉ có 1 cách là tháo ra thay lò xo khác. Tính ra rất mắc công và tốn kém. Chưa kể nếu bạn mua 1 cây phuộc Coil có sẵn mà trọng lượng của bạn nhẹ quá hoặc nặng quá so với độ cứng cây phuộc thì 1 là bạn phải thay lò xo để đạt độ cứng thích hợp, 2 là chấp nhận chạy 1 cây phuộc sai trọng lượng của mình ( Đa phần các cây phuộc Coil bán sẵn set cho trọng lượng từ 70-80kg ) . Độ cứng của 1 cây phuộc Coil là cố định, ko tăng giảm dc ( trù khi thay lò xo )

- Phuộc Coil dễ đi hết hành trình ( Chạm đáy phuộc ) : do cấu tạo là lò xo nên phuộc Coil khi bị nén mạnh thì nó đi hết hành trình rất nhanh, dễ chạm đáy phuộc hơn phuộc Air. Việc chạm đáy phuộc thường xuyên hoặc quá mạnh có thể dẫn đến hư phuộc hoặc gãy cổ xe

- Phuộc Coil nặng hơn : Với việc sử dụng nhiều lò xo và thanh trục bằng kim loại khiến phuộc Coil nặng hơn phuộc Air từ 300-500 gram tùy loại. Phuộc nặng hơn thì khó điều khiển hơn, khó bốc đầu nhảy qua gốc cây hơn

- Phuộc Coil ồn : do chuyển động bằng lò xo nên bạn có thể nghe được tiếng lạch xạch ở bên trong 1 số phuộc Coil, hoặc khi phuộc đi hết hành trình thì bạn sẽ nghe tiếng cọc cọc

IV. Phuộc dùng Needle Bearing ( Cannondale Lefty )

Cannondale ( 1 hãng xe của Canada ) đã phát minh ra 1 công nghệ phuộc nhún độc quyền của họ, ko dùng Air hay Coil, mà họ dùng các bạc đạn dạng dài gọi là Needle Bearing

Đầu tiên, chúng ta hãy trở về những năm đầu của thập niên 1990, chính xác là năm 1994, khi Cannondale ra mắt chuẩn phuộc nhún gọi là HeadShock

Đây là cây phuộc HeadShok, như các bạn thấy, nó nhún ở ngoay chỗ cổ phuộc, chứ ko được nhún 2 bên như những cây phuộc bây giờ. Những cây phuộc Headshok này có hành trình chỉ 50mm. Ưu điểm của loại phuộc này, đó là nó cứng cáp và xuống đều hơn những loại phuộc xài nhún 2 bên khi đó ( khi đó công nghệ phuộc nhún vẫn chưa phát triển như bây giờ, và những cây phuộc nhún 2 bên nó hay bị hiện tượng là nhún ko đều 2 bên )

Đây là cấu tạo bên trong của loại phuộc HeadShok, nó là tiền thân của cây phuộc Lefty sau này

Thay vì sử dụng lò xo như những loại phuộc 2 nhún khi đó, Cannondale sử dụng 1 công nghệ gọi là vòng bi kim ( Needle Bearing ) Cây phuộc Headshock sẽ di chuyển ( trượt lên trượt xuống ) với 4 vòng bi kim được cố định giữa ống trong và ống ngoài của phuộc . Nguyên lý này vẫn được áp dụng trên các cây phuộc Lefty hiện đại, dĩ nhiên là đã được nâng cấp về hành trình, độ mượt, độ cứng vvvv

Công nghệ Needle Bearing hoạt động hiệu quả trên HeadShok và được Cannondale áp dụng cho các dòng phuộc DownHill của hãng từ năm 1996, trong đó có cây phuộc Moto DH trên chiếc Fulcrum huyền thoại với hành trình từ 100-120mm

Cannondale Fulcrum, chiếc downhill huyền thoại của Cannondale

Các kỹ sư của Cannondale bắt đầu nghiên cứu để đem dòng phuộc sử dụng công nghệ Needle Bearing xuống các dòng xe phổ thông hơn như XC và Trail. Nhưng khuyết điểm của Needle Bearing là nó quá nặng, do đó họ đã quyết định rất đơn giản và dễ hiểu, là cắt đôi cây phuộc ra, bỏ luôn 1 bên cho nhẹ, thế là Lefty đã ra đời vào năm 1999

Với hơn 20 năm phát triển, Lefty đã có nhiều dòng sản phẩm, trong đó phổ biến là Lefty Max với hành trình 100-120mm ( Con Lefty mình có là loại này ) và Super Max với hành trình 130-160mm . Ngoài ra còn có Lefty Olaf  dành cho xe bánh béo, và Lefty Olive dành cho xe gravel ( ra mắt năm 2015 ) với hành trình 30mm

Cấu tạo của 1 cây phuộc Lefty, theo PDF về Lefty của Cannondale, các bạn có thể tải về tại đây : https://www.pedrosbikeshop.ch/image/data/media/headshok_gabeln/CANN_LEFTY15.pdf

Công nghệ nhún trên Lefty vẫn dựa vào công nghệ Needle Bearing. Vậy công nghệ này khác công nghệ trên phuộc nhún truyền thống chỗ nào

Nếu bạn từng tháo phuộc nhún xe đạp ra thì bạn sẽ thấy nó cấu tạo gồm 2 ống lồng vào nhau và các ống này có dạng hình tròn, do đó nó có thể xoay qua xoay loại. 

Còn ở trong phuộc nhún Lefty, 2 ống này lại có dạng chữ nhật ( với 4 hàng Needle Bearing ở 4 phía, nó tạo thành hình chữ nhật, chứ k phải hình tròn )

Các ống phía trong của Lefty có hình dạng chữ nhật chứ k phải hình trụ tròn, do đó nó ko thể xoay qua xoay lại được mà chỉ có thể chuyển động theo phương trên / dưới

Cấu tại của Needle Bearing, các bạn có thể thấy nó là dạng hình chữ nhật chứ ko phải là hình tròn

Để dễ hình dung thì bạn xem hình so sánh các lực tác động lên phuộc giữa phuộc nhún truyền thống và phuộc Lefty. Phuộc Lefty với thiết kế Dual Crown của phuộc DownHill ( gồm vai phuộc trên và vai phuộc dưới ) và ống phuộc với các dãy Needle Bearing tạo thành hình chữ nhật giúp lực tác động của phuộc nó đồng nhất từ trên xuống dưới chứ không bị ảnh hưởng bởi lực xoay như phuộc truyền thống . Ở các dòng phuộc đời mới như Ocho, Lefty đã bỏ vai trên và chỉ còn vai phuộc dưới, giúp gắn dc cho tất cả các loại xe thông dụng nhưng vẫn cam kết Ocho giữ được sự ổn định như các dòng phuộc dùng Dual Crown

Đây là bộ Needle Bearing sử dụng trên phuộc Lefty, nó sẽ bị mòn theo thời gian và bạn sẽ phải cần thay thế định kì

Những ưu điểm của Needle Bearing so với công nghệ phuộc ống lồng truyền thống :
- So với vòng bi và bạc đạn thì Needle Bearing nó có diện tích tiếp xúc nhiều hơn, do đó chịu được tải trọng tốt hơn
- 4 mảnh Needle Bearing tạo thành hình chữ nhật tiếp xúc giữa 2 ống phuộc thay vì hình tròn, do đó 2 ống không có hiện tượng xoay như ống hình tròn
- Phuộc ống lồng truyền thống khi di chuyển vẫn chịu lực ma sát giữa 2 ống với nhau, trong khi đó với Needle Bearing thì 2 ống phuộc trượt trên các vòng Needle, mỗi vòng Needle này nó có tác dụng như 1 con bi lăn, giúp giảm ma sát giữa 2 ống phuộc. Do đó phuộc Lefty nó nhún êm và mượt hơn

Note : Dòng phuộc mới của Lefty là Ocho thì các Needle Bearing này được sắp xếp theo hướng 3 cạnh chứ k phải 4 như các dòng trước đó 

V. Phuộc dành cho Gravel

- Nếu như hồi xưa touring mặc định là đi phuộc đơ, xe touring phải là xe phuộc đơ thì nay quan điểm đó đã thay đổi và các dòng Gravel bắt đầu có những loại phuộc riêng cho mình 
- Tại sao Gravel lại cần phuộc riêng ? Gravel là tên gọi cho các dòng xe vẫn đi theo kiểu touring nhưng vẫn chạy được đường offroad nhẹ nhẹ ( Gravel - Sỏi ) , mà đã chạy offroad nhẹ nhẹ thì các thanh niên bắt đầu đau vai, đau lưng, đau tay. Nhưng gắn phuộc nhún MTB vào thì các thanh niên lại la lối bảo nhìn ko đẹp, với cũng ko cần hành trình quá dài dễ mất lực khi đạp, thế là các dòng phuộc Gravel ra đời để phục vụ cho dân Gravel, với đặc điểm là hành trình ngắn

Hiện nay 2 cây phuộc Gravel mới ra hiện nay là Lauf Grit với hành trình 30mm ( Lauf Grit cũng có cho MTB với hành trình 60mm) và Lefty Oliver với hành trình 30mm

Lauf Grit bản cho Gravel - Hành trình 30mm

Lefty Oliver với hành trình 30mm

Nguyên tắc nhún của Lauf Grtit là dựa trên sự co giãn của 12 đai sợi thủy tinh ( 3 trên 3 dưới  mỗi bên ) Giúp bánh xe chuyển động 1 hành trình ngắn xung quanh cây phuộc ( Bản thân cây phuộc không nhún mà chính cái bánh xe mới là cái nhún ) và độ cứng ( độ nhún thấp hơn ) của phuộc gần gấp đôi các loại phuộc thông thường ( gấp 1.8 lần ) nên nó sẽ giảm hao mòn lực hơn
 

Các bạn có thể xem thêm clip này để hiểu nguyên tắc hoạt động của Lauf Grit