[Sườn xe] Sườn thép : Ưu và nhược điểm / Cách bảo dưỡng sườn thép

Bài viết được viết bởi Batshop, vui lòng ghi rõ nguồn khi share

Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ đi đến phần sườn xe, với các loại vật liệu phổ biến nhất để làm sườn xe hiện nay là : Thép / Nhôm / Ttian / Carbon.

Chúng ta sẽ đi theo lịch sử hình thành và phát triển, nên đầu tiên chúng ta sẽ bàn về sườn thép nhé

Đây là con xe huyền thoại và theo ghi nhận thì nó có thể tải được 200-300kg. Đi offroad băng rừng lội suối ầm ầm, và vật liệu làm nên cái sườn này là Thép .

Nếu nói về các loại vật liệu làm sườn xe, thì thép là trâu bò nhất

I. Ưu điểm của sườn thép

1. Dễ sữa chữa 
- Khung thép dễ sửa chữa, dễ hàn, dễ uốn. Bạn có thể tìm được 1 thợ hàn thép ở bất kì nơi nào . Dĩ nhiên là sau khi hàn thì chất lượng khung sườn ko thể còn được như ban đầu, nhưng nó cũng giúp bạn chạy được và hoàn thành cung đường. Hàn nhôm thì khó hơn nhiều, còn titan và carbon thì thôi ko nghĩ đến.

2. Sườn thép có độ bền cao

- Đặc tính của thép là nó dẻo, do đó nó sẽ ko có hiện tượng mỏi kim loại dẫn đến gãy như nhôm . Sườn thép có thể cong, nhưng rất khó gãy. Nói cho dễ hiểu thì nhôm cứng, nhưng ko dẻo. Do đó khi chịu 1 lực tới hạn, nó sẽ bị gãy. Và nó cũng có hiện tượng mỏi kim loại, tức là khung sườn chịu  giao động đến 1 lúc nào đó quá giới hạn mỏi của nó thì nó sẽ gãy . Các khung sườn xe đạp Thống Nhất , hay thậm chí cái xe Martin 107 của ba mình đến nay đã hơn 20 năm vẫn chạy được ầm ầm .

NGoài ra thép còn chịu lực tốt hơn nhôm. Nếu trong trường hợp sụp ổ gà hoặc tông xe, sườn thép / phuộc thép nó có thể cong chứ ko gãy. Nó cũng ko bị nứt như sườn nhôm và cũng khó tuôn ren ốc hơn sườn nhôm ( Mình sợ nhất là xiết ốc sườn nhôm , rất dễ tuôn ren hoặc tệ hơn là tuôn luôn cái đai ốc của sườn - đã bị rồi nha . 1 lưu ý cho các bạn khi dùng sườn nhôm là hãy xiết ốc thật nhẹ nhàng và dịu dàng nhé )

NGoài ra sườn thép cũng an toàn hơn do nó sẽ ko đột ngột gãy rời như sườn nhôm ( khi bị tai nạn thì 1 cái sườn xe cong 90 độ vẫn an toàn hơn 1 cái sườn xe gãy làm đôi, và những đoạn gãy đó có thể ... )

Do chịu tải tốt, sườn thép cũng thích hợp làm sườn xe touring. Lí do đa số xe touring và baga dành cho xe touring đều dùng vật liệu thép vì khi tải nặng và chạy ở tốc độ cao, baga và sườn chịu rất nhiều lực từ nhiều phía. Chỉ có thép mới có thể hấp thu và chịu được những lực đó, còn nhôm nó sẽ dễ bị mỏi kim loại và dẫn tới gãy sườn .

3. Sườn thép " êm " hơn

- Thép có khả năng hấp thu lực. Do đó khi chạy xe sườn thép bạn sẽ có cảm giác êm hơn sườn nhôm do 1 phần lực tác động từ mặt đường đã được cái khung xe hấp thu trước khi truyền đến người bạn. Tính chất vật lý của nhôm thì cứng hơn thép nên nó truyền lực tác động nhiều hơn chứ không hấp thu dc như sườn thép

4. Sườn thép có thể sử dụng khớp nối S&S
 

1 số hãng làm sườn xe cung cấp option S&S rack ( mình hay gọi là $&$ ) vì 1 cái rack là 120$ . 1 xe cần 2 rack chưa tính tiền gia công.
Rack S&S nó cho phép bạn tháo đôi chiếc xe ra, giúp tiện cho việc di chuyển, vận chuyển xe bằng máy bay. Và rack S&S chỉ dùng được cho xe sườn thép và titan. 

5. Sườn thép nhìn đẹp

Với những người thích sự thanh mảnh, nhẹ nhàng thì sườn thép là lựa chọn đầu tiên. Vì với tính chất chịu lực cao, sườn thép có thể sử dụng ống nhỏ chứ ko cần dùng đến ống lớn như sườn nhôm . Nên các sườn touring / classic dùng sườn thép thì đẹp và hợp hơn .

II. Nhược điểm của sườn thép

1. Nặng

- Nhược điểm đầu tiên và cũng là thứ cản trở nhiều người đến với sườn thép, trong đó có mình : Đó là nặng.
Trong các loại vật liệu làm sườn xe thì thép là nặng nhất. 1 chiếc sườn thép có trọng lượng khoảng 2kg đến 2kg2 . 1 cây phuộc thép có trọng lượng khoảng 1kg2 đến 1k4. Trong khi 1 cái sườn nhôm / titan có thể có trọng lượng khoảng 1kg5-1kg6 . Phuộc có thể tầm 500-600gram. Carbon thì tầm trên dưới 1kg cho sườn và 300-400gram cho phuộc .

- Do nặng nên sườn thép hiện nay đa số chỉ còn sản xuất cho touring và 1 số ít dòng MTB downhill cần độ bền, chắc và ko cần đạp . Road thì gần như ko có. À cũng có. Anh Dune bạn trai cũ của mình có lấy 1 chiếc road cổ sườn thép đi thi Ironman, dĩ nhiên là ko về nhất, nhưng được cái là ra đường ai cũng ngó vì vừa độc vừa lạ .

- Do nặng nên đạp sườn thép cũng mệt hơn, mình tuổi thì cao, sức thì yếu , nên mình cũng k có chiếc sườn thép nào cả, vì xì tai đạp của mình là đạp là phụ, khiêng xe là chính :( 

2. Sườn thép có thể bị rỉ

- Đây cũng là 1 nhược điểm rất nặng của sườn thép do trong 4 vật liệu làm sườn xe thì chỉ có sườn thép là bị rỉ.
- Dù đa số sườn xe khi sản xuất đều dc nhà sản xuất sơn nhiều lớp để chống rỉ. Nhưng sau 1 thời gian dài sử dụng thì các vết trầy xước sẽ xuất hiện, và nếu đó là sườn thép thì nó sẽ bị rỉ
- Nguy hiểm hơn là nó rỉ từ bên trong, nơi mắt chúng ta ko nhìn thấy được. Mình đã chia sẽ ở bài trước là có 1 chiếc touring sườn thép bị gãy gióng sau, trong đó gióng xéo đã bị rỉ và ăn mòn từ trước, đến 1 mức độ nào đó thì gióng ngang sau nó chịu ko nổi và nó gãy .
- Do đó khi chạy sườn thép bạn nên chú ý kiểm tra và định kì 1-2 năm nên có bảo dưỡng sườn : Tháo ra hết, phun dung dịch chống rỉ cho sườn thép ở mặt trong sườn ( gọi là Frame Service )
- Với những vết xước nhỏ , các bạn có thể xin vợ chút sơn móng tay cùng màu và sơn phủ lên. Nếu quá nhiều hoặc tiền ko phải suy nghĩ thì đem chà ra sơn lại hết cho đẹp

bạn có thể tham khảo video clip này về frame service 

Sườn thép xe đạp ko chỉ cần chống rỉ bên ngoài, nó còn cần chống rỉ từ bên trong nữa
Đặc biệt nếu bạn ở môi trường gần biển thì sườn thép ko phải là 1 lựa chọn hợp lý lắm vì hơi nước biển kèm muối có thể ăn mòn sườn nhanh hơn bình thường .

3. Sườn thép đắt hơn 

- Sườn thép cũng có thép this , thép that. Sườn Thống Nhất, Martin hay Strongman cũng là sườn thép , Sườn Windspeed / LKLM / Surly hay Co-Motion nó cũng là sườn thép. Nhưng nhìn chung thì sườn thép vẫn đắt hơn sườn nhôm. Vì sườn thép vẫn phải sản xuất hàn bằng tay ( Mấy dòng rẻ rẻ như Windspeed cũng có dán nhãn HandBuild oai như cóc ) chứ không sản xuất hàng loạt hàn bằng máy như sườn nhôm . Với những hãng xịn thì giá sản phẩm nó còn nằm ở chất lượng thẩm mỹ và tay nghề của từng mối hàn nữa .

4. Sườn thép ít dc ứng dụng công nghệ mới

- Đa số sườn thép đều sử dụng các công nghệ cũ đã có từ hàng chục năm trước, 1 phần vì giờ sườn thép chủ yếu sản xuất cho touring. Mà dân touring thì đa số là những người hoài cổ, sống chậm chứ ko đau bơi công nghệ như MTB và Road, cái họ cần là sự ổn định và dễ dàng sửa chửa, thay thế.

- 1 phần vì tính chất vật liệu của thép . Khung sườn thép chỉ có 1 dạng là ống tròn và nhỏ chứ ko thể định hình dc như khung nhôm/ carbon nên khung sườn thép ko có nhiều thay đổi lắm . Hiện nay thay đổi mới nhất mình thấy là 1 số dòng sườn thép là đã chuyển qua dùng Axle Thru với nhiều ưu điểm hơn QR135

Vậy , khi nào bạn nên dùng sườn thép ?

- Khi bạn là 1 touring sống chậm, ko đua bơi, tải full túi full lều nồi niêu xong chảo. Bạn nên chọn sườn thép
- Khi bạn chở gấu mẹ vĩ đại tầm 5x kg phía sau. Sườn thép là dành cho bạn
- Khi bạn đi chở gạo, xi măng, gạch, đá, đi chợ cho vợ mỗi ngày, bạn cũng nên chọn sườn thép
- Còn đua bơi, bay nhảy thì chúng ta ko thuộc về nhau