[ Thắng dĩa VS Thắng vành ] Phần 1: Ưu và nhược điểm của thắng dĩa

Bài viết được viết bởi Batshop, vui lòng ghi rõ nguồn khi share

Xin chào các bạn, hôm nay shop lại rảnh. Rảnh thiệt, SG cách ly đến tuần thứ 3 rồi mà, sau khi đã làm đủ trò để cho hết rảnh thì h shop vẫn rảnh, nên shop sẽ ngồi viết bài cho bớt rảnh vậy @.@ 

Hôm nay shop sẽ viết bài về thắng xe đạp. Thắng xe đạp hiện có 2 loại chính : Đó là thắng dĩa và thắng vành . Trong đó Thắng dĩa có thể xài dây dầu hoặc dây thắng . Thắng vành cũng có thể xài dây thắng hoặc dây dầu. Shop sẽ phân tích ưu / nhược điểm của từng loại để các bạn tham khảo và quyết định chọn loại thắng nào cho chiếc xe của mình .

Bài viết với góc nhìn cá nhân của shop . Nó có thể đúng với mình nhưng ko đúng với người khác. Bài viết có sử dụng hình ảnh lượm trên mạng .

Đầu tiên , có 1 truyền thuyết lưu truyền rằng : Xe touring nên gắn thắng vành. Vì : Đơn giản / Dễ sửa chữa / Bố thắng rẻ / Dễ tìm đồ thay thế khi hỏng / Có thể đem theo dây thắng dự phòng / Không bị cong dĩa vvvv ... Nhưng đa số xe Batshop ráp ra đều dùng thắng dĩa. Mình ko phủ nhận những ưu điểm của thắng Vành. Nhưng mình vẫn thích tư vấn ráp thắng dĩa cho khách, và xe mình cũng chỉ đi thắng dĩa. Vì mỗi loại đều có ưu và nhược điểm. 

I.Đầu tiên, chúng ta hãy nói về nguyên lý hoạt động của thắng dĩa và thắng Vành :

1. Thắng dĩa sử dụng bằng cách ép các bố thắng của piston heo dầu gắn trên sườn / phuộc vào dĩa thắng ( gắn vào bánh thông qua đùm ). Khi bóp thắng thì bố thắng giữ chặt dĩa thắng ==> Xe giảm được tốc độ . Về cấu tạo thì bố thắng dĩa thường được làm bằng resin ( nhựa ) hoặc metal ( bột kim loại ) hoặc semi ở giữa ( kết hợp giữa resin và metal ) . Dĩa thắng thì đa số làm bằng kim loại ( thép ) . Thắng dĩa có thể dùng dây thắng dầu hoặc dây thắng cơ . Nhưng đa số là dây thắng dầu .
2. Thắng vành sử dụng bằng cách ép các bố thắng của ngàm thắng vành gắn trên sườn / phuộc vào niềng. Khi bóp thắng thì bố thắng giữ chặt niềng xe ==> Xe giảm được tốc độ. Về cấu tạo thì bố thắng vànhthường được làm bằng cao su. Còn niềng xe thì phải là loại niềng có viền dành cho thắng vành . 1 số xe dùng niềng carbon thì phải dùng bố thắng chuyên dụng cho niềng carbon để tránh làm hỏng niềng . Thắng vành có thể sử dụng dây thắng dầu hoặc dây thắng cơ , nhưng đa số là dùng dây thắng cơ


Niềng thắng vành thường sẽ có 1 đường viền như vầy. Niềng thắng dĩa thì ko có. Lưu ý : Niềng thắng vành có thể dùng cho thắng dĩa được . Ngược lại thì ko dc nha .


II. Ưu điểm của thắng dĩa ( Ở đây mình sẽ mặc định là dùng dây dầu )

1. Lực thắng mạnh :
- Lực thắng được ép bới các piston thắng dĩa mạnh hơn thắng vành. Nhất là khi sử dụng dây dầu. 1 ưu điểm nữa là : thắng dĩa có thể thay đổi diện tích bề mặt bố thắng bằng cách tăng số lượng piston ( 2 pis, 4 pis, 6 pis )

Bạn có thể thấy bố thắng của loại heo 4 pis nó dài hơn heo 2 pis

Hiện thắng dầu xe đạp đã có đến dòng 6 piston.
 

Các dòng thắng dĩa xe đạp phô biến nhất là 2 pis nhưng 4 pis đã bắt đầu thông dụng. Hiện xe mình đang đi 1 con dùng TRP Slate 4 - 4 pis và 1 con dùng M8000 2pis thì mình thấy con TRP thắng êm hơn con M8000 . Shimano cũng đã bắt đầu ra các dòng 4 pis như M6120 / M7120 / M8020 và M8120 .

Do đó, nếu xe tải nặng, đổ dốc nhiều, bạn nên dùng thắng dĩa

2. Khả năng hoạt động liên tục tốt ( Khả năng tản nhiệt tốt )

1 ưu điểm nữa của thắng dĩa : Đó là nó tản nhiệt tốt hơn thắng vành. Đó là nhờ vào cấu tạo của thắng dĩa .
Cấu tạo của thắng dĩa gồm : Dĩa thắng kim loại / Bố thắng kim loại nên tản nhiệt tốt hơn gôm thắng cao su .
 

NGoài ra các dòng thắng cao cấp còn có các công nghệ tản nhiệt như : Bố thắng có gai tản nhiệt. Dĩa thắng tản nhiệt 

 

Công nghệ Ice Tech của Shimano với dĩa thắng 2 lòng ( mặt dĩa thép - nan dĩa nhôm kèm theo các lá tản nhiệt ) Và bố thắng có gai tản nhiệt .

Dĩ nhiên ko có gì là tuyệt đối, mình từng thấy 1 thanh niên nặng 100kg đổ đèo Triệu Hải giữa đường phải lấy chai nước xịt nước vào bộ thắng và bốc khói ngùn ngụt. Nhưng nếu để dốc liên tục, thì bạn vẫn nên sử dụng thắng dĩa . Và 1 lưu ý nữa khi đổ đèo dài, liên tục thì các bạn ko nên rà thắng, mà hãy nhấp nhả. Rà thắng khiến bố thắng bị nóng liên tục, có thể dẫn đến mất thắng .

Như đã nói, thắng dĩa tản nhiệt tốt hơn thắng vành. Thắng vành do gôm thắng là cao su, nó ko có khả năng thoát nhiệt khi hoạt động liên tục. Và 1 khi nóng lên nó sẽ có những hiện tượng :
- Chảy bố thắng 
- Niềng nóng lên, dẫn đến hỏng niềng / nổ ruột / vỏ 

Bản thân mình đã thấy trường hợp đổ đèo rà thắng vành mà chảy hết bố thắng, bám vào niềng đen xì luôn .

3. Thắng dĩa hoạt động tốt khi trời mưa / sình bùn .

Trong điều kiện trời mưa hoặc đường sình / bùn thì thắng dĩa vẫn hoạt động tốt hơn thắng vành. Vì nước / sình bám lên niềng sẽ làm giảm hiệu quả. Mình từng đổ đèo Khánh Lê trong mưa với 2 anh bạn đi thắng vành. Xe mình dùng thắng dĩa đổ ào ào, xuống chân đèo nằm chờ hơn nửa tiếng 2 anh kia mới xuống. Hỏi ra thì thắng ko ăn, phải dùng 2 chân kết hợp. Kết quả là mòn hết cả 2 đôi giày .

4. Đỡ mỏi tay hơn 

Với lực thắng mạnh ( sử dụng dây thắng dầu ) thì tay bạn sẽ không phải sữ dụng quá nhiều lực mỗi khi thắng. Dẫn đến đỡ mỏi tay, cổ tay hơn khi dùng thắng vành .

5. Vẫn sử dụng được với niềng bị cong :

1 lý do mà mọi người hay bảo rằng là ưu điểm của thắng vành là ko sợ bị cạ thắng do dĩa cong. Nhưng với 6 năm đạp xe, mình thấy trường hợp cong dĩa có nhưng không bằng cong niềng. Và cong dĩa thay thế rất dễ dàng chứ ko rắc rối như cong niềng. Và dĩa rất khó cong, còn niềng thì rất dễ cong. Mình xin chia sẻ các trường hợp cong niềng mình thấy :

1. 1 lần đi Cần Giờ, bạn kia tạt đầu xe mình ==> Té , cong niềng
2. 1 lần bị xe hơi ủi từ phía sau ở Bình dương ==> Cong niềng 
3. 1 lần bị xe đạp điện chạy ngược chiều bang trúng ở Cam Ranh ==> Cong niềng
4. 1 lần nổ talong vỏ, phải lấy dây buộc vỏ lại chạy từ Bình dương về SG

Cái đó là của bản thân mình, còn trong nhóm thì bị như cơm bữa. Nên mình thấy xác suất cong niềng xảy ra thường xuyên hơn cong dĩa rất nhiều vì cái niềng là cái dễ bị tác động nhất khi gặp tai nạn. Nếu niềng cong nhẹ thì xài thắng dĩa vẫn chạy được bình thường, còn thắng vành là vô phương .

1 em gái học sinh chạy xe đạp điện ngược chiều với tốc độ bàn thờ bang thẳng vào mình tại Cam Ranh. Hậu quả là bể ruột / Cong niềng trước . 

6. Thắng dĩa an toàn hơn :
- Do lực thắng mạnh nên bạn có thể thắng gấp được, tránh dc va chạm .

7. Đa dụng, gắn dc cho tất cả các loại bánh

Thắng dĩa có thể tương thích với tất cả các loại bánh. VD như bạn đang sườn xe bánh 29, bạn muốn đổi qua bánh 275 hoặc 26 chạy tạm trong trường hợp khẩn cấp thì vẫn được. Nhưng nếu bạn đang đi thắng vành thì ko có cách nào cả. Bạn phải thay bánh đúng với đường kính bánh đang đi .

8. Bố thắng dĩa dùng dc lâu hơn

Mình xài thắng dĩa thì trung bình khoảng 4000 - 5000km mình thay 1 cặp bố thắng. Nếu đi đường đèo dốc nhiều thì có thể nhanh hơn. Mình ko xài thắng vành nên ko biết 1 bộ gôm thắng vành dùng dc cho bao nhiêu km, nhưng chắc chắn là ít hơn bố thắng dĩa . Do đó chuyện bố thắng vành rẻ hơn bố thắng dĩa là đúng, nhưng nếu tính về số km sử dụng dc của 1 bộ bố thắng thì bố thắng dĩa hơn bố thắng vành nhiều lần

9. Ko ảnh hưởng tới niềng xe 

Do bố thắng dĩa chỉ tác động vào dĩa thắng. Nên bạn chỉ phải thay dĩa khi mòn. Mà dĩa thắng thì lâu lắm mới mòn, với chi phí thay dĩa thắng cũng đơn giản và ít hơn thay niềng .

Ngược lại : Bố thắng vành tác động vào niềng xe. Nên nó sẽ bị bào mòn qua thời gian. Ma sát cũng làm nóng niềng xe rồi lại nguội đi, liên tục như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến độ bền của niềng . Hoặc nếu có cát lẫn vào bố thắng cũng có thể làm xước niềng

10. Không cần phải vệ sinh thường xuyên 

Dĩ nhiên là bạn vẫn phải vệ sinh thắng / Bố thắng dĩa định kì. nhưng nó ko phải làm thường xuyên như dùng thắng vành. Vì 
- Thắng dĩa nằm ở vị trí cao hơn niềng . Đồng thời với cấu tạo dc che chắn, thì khả năng chất bẩn, sình bùn bắn vào thắng dĩa ít hơn là bắn vào niềng
- Bố thắng dĩa cấu tạo là 1 mật phẳng và cứng, bố thắng vành là cao su mềm + có các rãnh xẻ thoát nước nên cát, sình bùn dễ bám lại. Đồng thời khi thắng thì cao su ma sát vào niềng nên nó sẽ để lại 1 lớp cao su bám trên bề mặt niềng và cần vệ sinh thường xuyên . Nếu ko vệ sinh thường có thể dẫn tới xước niềng

11. Thắng dĩa thắng chính xác hơn, dễ điều chỉnh lực thắng hơn

Với hệ thống truyền thủy lực thì bạn dễ dàng điều chỉnh lực thắng, ko cần phải bóp cứng thắng. Ngoài ra kỹ thuật thắng nhấp nhả ( mình hay sử dụng kiểu thắng nhấp nhả, chứ ko bóp cứng thắng ) chỉ có thể dùng dc với thắng dỉa vì nó tác động ngay tức thì chứ ko có độ trễ như thắng vành .

12. Có thề sử dụng được vỏ lớn 

Bề ngang vỏ ko ảnh hưởng khi sử dụng thắng dĩa. Mình đã gặp nhiều trường hợp các bạn đi xe thắng vành muốn sử dụng vỏ lớn hơn thì lại bị vướng ngàm thắng .

Và cái cuối cùng : Thắng dĩa nhìn đẹp hơn, gấu hơn. Cái này là đành giá cá nhân :D. Nhiều bộ thắng dĩa ko chỉ là 1 bộ thắng, mà còn là vật trang trí cho xe ( Shop thích các dòng Magura MT với Hope vl nhưng má đường ko cho tiền mua T.T - Má đường ơi có seen thì cho tiền shop mua Magura MT7 màu xanh chuối hợp với xe Scott shop đang đi với nhé )





Đọc đến đây chắc các bạn đã hừng hực khí thế, chỉ muốn mọc ra đôi cánh bay ngay qua gặp gian thương Batshop để tậu ngay 1 bộ thắng dĩa về lắp lên xe rồi đúng ko. Nhưng khoan đã, sau đây chúng ta sẽ đi đến những nhược điểm của bộ thắng dĩa .

III. Các nhược điểm của thắng dĩa .

1. Mắc 

- Dĩ nhiên đây là nhược điểm đầu tiên của thắng dĩa. Giá 1 bộ thắng dĩa bao giờ cũng cao hơn, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần 1 bộ thắng vành. Điều này dễ hiểu vì cấu tạo của 1 bộ thắng dĩa nó phức tạp hơn thắng vành nhiều lần, và các bộ thắng dĩa càng sử dụng nhiều công nghệ mới thì lại càng cao hơn nữa .

2. Khó tìm phụ tùng thay thế / Khó sửa chữa

- Bạn có thể dễ dàng tìm dc đồ thay thế, sửa chữa thắng dỉa ở các thành phố lớn. Tuy nhiên đi xa ở các vùng quê, thị xã nhỏ thì sẽ khó khăn. Tuy nhiên theo đánh giá của mình thì thắng dĩa khá bền, mình chưa gặp tình trạng hư hỏng thắng dĩa nào dù có cung đường mình đã đi 6000 7000km liên tục trong 3 tháng với địa hình đèo dốc liên tục ( Tour de Asean 2018 ) . Các sự cố mình hay gặp nhất là cạ bố thắng và có thể sửa dễ dàng. Dĩ nhiên trong trường hợp bị nặng hơn như đứt dây dầu hoặc xì dầu thì sẽ rất khó sửa chữa dọc đường. Nhưng mình vẫn thấy thắng dĩa là an toàn hơn .

3. Ảnh hưởng đến căm xe 

- Nếu như thắng vành tác động lực đến niềng xe. thì thắng dĩa tác động trực tiếp vào dĩa thắng ==> Sau đó truyền đến đùm xe ==> Sau truyền đến căm xe ==> Sau đó truyền tới niềng và bánh xe ==> Bánh xe ma sát với mặt đường và giữ xe đứng lại .

Vì dĩa thắng được bắt cứng vào đùm, nên khi sử dụng thắng dĩa thì bộ phận chịu lực tác động nhiều nhất là căm xe. Căm xe khi đó sẽ chịu lực xoắn rất mạnh. Nên xác xuất dẫn đến lỏng căm / Gãy căm sẽ cao hơn khi sử dụng thắng V. 
Cách khắc phục là các bạn nên kiểm tra căm định kì. Bóp thử các căm xem có lỏng không, xoay thử bánh xem niềng có bị quăng không. Nếu có thì nên đi cân căm lại nếu nhẹ, còn nếu nặng thì nên rút lại căm mới .

4. Ảnh hưởng đến phuộc và gióng sau của xe :

Do cấu tạo của thắng dĩa dầu là bắt 1 bên. Nên khi thắng thì lực nó phân bố không đều như thắng vành là lực thắng ở trung tâm. Mình đã thấy có trường hợp 1 chiếc touring bị gãy gióng sau ngay chỗ bát bắt thắng dĩa và gãy rất ngọt. Do đó lực thắng của thắng dĩa tác động vào phuộc và gióng sau của xe là rất lớn vì nó chỉ tác động vào 1 phía. Còn khi dùng thắng V thì nó tác động đều cả 2 phía . Tuy nhiên high risk - high value thôi . Chiếc xe bị gãy gióng sau có vẻ là gióng xéo đã bị mục và ăn mòn từ trước vì thấy có vết rỉ. Còn gióng ngang thì gãy ngọt và sáng bóng . Nên xác suất xảy ra cũng rất thấp .

Do đó các bạn có thể thấy những dòng xe classic sử dụng phuộc nhỏ và cong thường sẽ dùng thắng vành chứ không dùng thắng dĩa . Và do đó, mình tuyệt đối khuyên các bạn không nên cố gắng cải tạo 1 chiếc xe đang dùng thắng vành thành thắng dĩa , bằng cách hàn thêm bát thắng dĩa vào. Khung sườn xe và phuộc xe thắng vành nó ko thiết kế để chịu lực để gắn thắng dĩa .

5. Dễ bị cạ bố thắng 

Khi đạp mà bạn nghe tiếng xẹt xẹt thì có thể là bố thắng dĩa của bạn đã bị cạ. Cách khắc phục đơn giản các bạn có thể xem ở đây : https://batshop.vn/blogs/news-review/tut-cac-huong-dan-co-ban-cho-cac-ban-moi-mua-xe  ( Kéo xuống mục sử lý khi thắng dĩa bị cạ )

6. Khó xử lý khi bị sự cố :

- Thắng dĩa dầu khá bền, tuy nhiên khi bị sự cố nặng dọc đường ( chảy dầu, gãy tay thắng, đứt dây dầu ) thì bạn ko thể nào sửa chữa dc như thắng vành vì nó đòi hỏi những tool chuyên dụng cũng như dầu thắng để bơm .

7. Thắng dĩa nặng hơn thắng vành

- Đây là lí do đa số xe Road vẫn dùng thắng vành, vì thắng dĩa nặng hơn thắng vành kha khá. Tuy nhiên với touring và MTB thì mình thấy điều đó ko quan trọng lắm .

8. Thắng dĩa cản gió hơn thắng vành

- Với cấu tạo heo thắng / Dĩa thắng thì về mặt khí động học thắng dĩa sẽ cản gió nhiều hơn thắng vành. Nhưng cũng như trên, nó chỉ quan trọng đối với xe Road .

9. Thắng dĩa có thể gây bỏng / Tai nạn 

- 1 lí do khiến các cuộc đua xe Road cấm thắng dĩa là thắng dĩa có thể gây các vết thương nặng cho các vận động viên khi xảy ra tai nạn ( Dĩa thắng cắt vào tay, chân, cơ thể ). Tuy nhiên hiện nay 1 số giải đua đã bỏ lệnh cấm này và các xe Road đã bắt đầu phổ biến thắng dĩa . Ngoài ra chạm vào dĩa thắng lúc còn đang nóng ( hi vọng không có ai nghịch dại đến vậy ) có thể gây bỏng
 

1 chiếc Road sử dụng thắng dĩa của anh khách hàng bên shop. Rất gọn gàng và đẹp .

9. Thắng dĩa dầu và thắng dĩa cơ

Thắng dĩa có 2 loại, 1 loại dùng dầu thủy lực và 1 loại dùng cơ ( dây cáp ) để truyền lực từ tay thắng xuống piston heo dầu. Vậy 2 loại này khác nhau chỗ nào ?

Thắng dĩa dầu sử dụng cơ chế piston thủy lực. Khi bạn bóp thắng , dầu sẽ bị ép lại và truyền qua dây dầu đến piston và ép piston lại . Khi bạn nhả ra thì dầu quay trở lại bầu dầu trong tay thắng và khiến piston nhả ra. Quá trình này diễn ra ngay lập tức . Tức là ngay khi bạn bóp / nhả thắng thì piston cũng ngay lập tức ép / thả và gần như không có độ trễ. Và lực nó truyền đi 100%, tức là bạn bóp nhẹ thì nó ép nhẹ, bóp mạnh thì nó ép mạnh. Không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài .

Thắng dĩa cơ sử dụng dây thắng bện bằng thép làm vật truyền lực. Khi bạn bóp thắng thì nó kéo dây cáp và ép piston lại để thắng, khi bạn thả tay thắng thì nó thả piston ra. Quá trì này có độ trễ vì sợi dây thắng phải di chuyển thì mới kéo dc piston. Ngoài ra nó còn bị ảnh hưởng bởi ma sát giữa dây thắng và vỏ dây thắng nên lực tác động cũng bị ảnh hưởng .

Ngoài ra thắng dĩa dầu thì bạn sẽ ko cần quan tâm đến dây, trừ khi bị xì dầu. Còn thắng dĩa dây bạn sẽ phải bảo trì và thay dây thường xuyên. Vì dây thắng sau 1 thời gian sử dụng sẽ bị giãn và khô mỡ  bò, rỉ sét, dẫn đến thắng không hiệu quả .

Thắng dĩa sử dụng dây thắng

10. Dầu sử dụng cho thắng dĩa 

Dầu sữ dụng cho thắng dĩa thường chia ra làm 2 loại. Là dầu DOT và dầu khoáng ( Mineral ). Các bạn lưu ý không thể sử dụng khác loại dầu cho thắng . Mỗi bộ thắng đều có in loại dầu trên bầu thắng .

 

 

Bình luận

Đồng 28/10/2023

May dơ (Hub) thắng đĩa _dùng cho thắng vành được không shop ?