Kinh nghiệm đi chơi với anh chị em BAT Tour (hành xác khổ dâm tự chuyện)

Bài viết của bạn Hùng Hoàng Kim - 
https://hoanghung.weebly.com/sweaty-sporty/kinh-nghiem-i-choi-voi-anh-chi-em-bat-tour-hanh-xac-kho-dam-tu-chuyen?fbclid=IwAR2E0CdILhar6rOY2_8bYGlKh2leYTjkvUv1Xa4Se1vkQhQ6X1dA0Qfl0WQ
 

Picture

Tình hình là Hùng cũng đã đi chơi với BAT (Bike and Travel) chắc cũng gần 2 năm rồi (chuyến đầu là hồ Dầu Tiếng hồi đầu 2020), và cũng tự bày ra các tour tương tự cho bản thân và rủ mọi người chơi. Dựa trên kinh nghiệm tấm chiếu cũng đã trải mấy lần và vừa lộn santo do 1 tay dò đường bằng điện thoại, 1 tay bóp thắng Alfine mạnh hơn XTR 15%, Hùng có chia sẻ 1 chút về setup xe cộ cũng như cách chơi cho anh chị em chiếu mới 1 chút gọi là góp vui:



1/ Trang thiết bị phụ kiện tối thiểu cho 1 hành trình:

So với xe, để hoàn thành 1 chuyến đi chơi thì chuẩn bị phụ kiện quan trọng hơn rất nhiều. 1 chiếc MTB 200 triệu mà thủng lốp trên núi không có đồ thay thì không khác gì cục gạch, vác đi tội nợ thôi chứ tiếc gì nữa.

Theo kinh nghiệm bản thân thì minimum sẽ gồm có:

  • multitool với các thể loại lục giác để siết các loại ốc: Loại thường chỉ khoảng 200k, loại xịn thì vô cùng (1tr +). Càng xịn thì càng nhẹ và càng nhiều tính năng. Hiện tại loại mình đang dùng là của  Giyo, có kèm tool cắt sên, giữ sên, nạy vỏ.

Picture

Loại này thì rẻ, nhiều đồ, mà chất lượng thì hơi cùi. Mình chỉ dùng để xử lý tạm trên đường, về nhà dùng tool chuẩn sau. 
 

  • Bơm. Không có bơm thì lốp xì là méo mặt, không tự xử lý được. giàu sang thì bạn mang CO2, béo chảy thây thì bơm điện xiaomi, đẹp cho touring thì có bơm gắn khung, hoặc không thì có bơm cũng giyo mình dùng 2 năm nay. Mình thích bơm gắn được lên khung xe và có đồng hồ, còn có bạn thích đồ gọn nhẹ bỏ túi thì chịu khó quay tay nhiều vòng hơn thôi. Nếu chơi MTB phuộc xịn thì nên có thêm bơm cho phuộc nữa nhé (hoặc chơi loại combo vừa phuộc vừa bánh). Chỉ khoảng 300-500k

Picture

  • Đồ nạy vỏ + Combo tháo masterlink + trữ masterlink + masterlink.

Picture

Mình phân vân giữa việc để nó vào bắt buộc phải mang hay là optional, vì bản thân mình thì ít dùng cho mình mà toàn dùng cho người khác. Đồ nạy vỏ tốt sẽ giúp việc thay ruột xe dễ dàng, nhất là đối với các xe đời mới có thiết kế cho vỏ không ruột (tubeless ready) sẽ càng khó. Master link trên sên sẽ giúp xử lý các tình huống liên quan tới sên dễ dàng hơn, cũng như có master link dự phòng sẽ giúp xử lý được tình huống đứt sên.
​Sau tour hồ Trị An hôm trước có 2-3 vụ xì bánh rồi đứt sên, mình quyết định đẩy món này lên thành bắt buộc phải có. Tool chỉ khoảng 100k, còn master link thì tuỳ loại sên (200-300k), nhớ mua đúng loại theo sên (SS - 9sp - 10sp - 11sp - 12sp)​

Picture

Tool cắt sên ( nếu multitool không có). Xử lý các tình huống liên quan tới sên (đứt, cuốn) và gãy cùi (và bát cùi) đề. Đi đường onroad thì không cần nhiều, mà đi offroad thì cần nhiều lắm.

Picture

Picture

sửa sên cho 1 ông anh đi cùng

  • Dây rút. Món này không cồng kềnh, nên thủ sẵn ít nhất 2 - 5 cọng size 3mm. Mình dùng để treo bình nước, gắn gọng nước gãy, gắn lại tay lái gãy, gắn lại baga tuôn ốc, dây dợ bung ra khỏi sườn, rồi treo cùi đề khi gãy bát cùi đề. ​

Picture

  • Băng keo điện : bạn cuộn băng keo điện vào trên thân ống bơm, khi nào cần thì lôi ra. Dùng để sửa những thứ mềm và nhỏ hơn dây rút, ví dụ như lớp bọc tay lái, đồng hồ, gọng kính, v.v.
  • Ruột: Bất kể bạn chạy tubeless hay vỏ marathon chống đinh, bạn cũng nên mang theo tối thiểu 1 ruột xe theo người. Nhớ chọn ruột đúng kích thước xe mình. Đi theo nhóm đông thì hên hên có thể mượn được, nhưng mà nếu đi solo nhóm nhỏ hoặc vỏ / ruột đặc biệt (Fatbike / Plus size / hoặc road đi chung team mtb hoặc ngược lại) thì nên mang x2.
  • Đồ vá: do đồ vá gọn hơn ruột, nên có thể mang theo cho gần chục lỗ thủng cũng không vấn đề. Sử dụng khi mà ruột cũng hết rồi. 
  • Tiền: Đủ tiền để thuê taxi hoặc xe tải về nhà. Tiền lẻ dạng polymer 10k -> 50k để mua nước, trả tiền cầu đường, và trường hợp cần thì làm lớp lót giữa vỏ và ruột để chống thủng.
  • Đèn đóm trước sau các loại. 
  • Nón bảo hiểm


Tất cả đống này mình cho vào trong 1 túi 2L là quá rộng. Gắn tay lái hoặc gắn cốt yên là đủ
Các trang bị mở rộng mình thấy cần:

  • Áo mưa chuyên dụng xe đạp, tầm 400k-500k. Nó gọn nhẹ lắm, và dùng để đi trời mưa + giữ ấm cơ thể lúc trời tối, nhưng vẫn đủ thoáng để đạp. Mình từng ngu ngu vác 1 cái áo mưa xe máy đi xe đạp trong cung Đà Lạt - Bảo Lộc, và đuối sức vì nó - vừa cản gió, vừa che mưa không được bao nhiêu , lại còn nóng. Áo thì mình thấy cần chứ quần thì không nhé. ​



Picture

  • Chống nắng cổ / tay. Đi 1 ngày rồi về cháy khét cũng được, nhưng mà mình thì không thích việc đau rát cổ và tay, cũng không thích dùng kem chống nắng nên mình dùng ống tay với ống cổ, mỗi cái ~ 100k.

 

  • Nhớt châm sêt (loại mini 10ml). Tuỳ thời tiết thì dry hoặc wet lube, còn nếu không chắc thì cứ dry mà táng, trời mưa trôi thì châm thêm. Thường cung > 200km nên mang, nhất là nếu dùng dry lube (trôi nhanh). ​

Picture

  • Giấy ướt (wet tissue) / khô. Có các má thích dùng lá dọc đường, còn mình thì thua nhé. 
  • Oxy già / betadine / bông băng. Cho các cung dài > 200km hoặc cường độ offroad cao. 1 đội 1 người mang là đủ.
  • Các tool đặc biệt cho từng xe: bát cùi đề, khoá 15 (cho xe dùng đùm ốc bolt on cũ).

     


2/ Nâng cấp xe để chạy đường dài:

 Nếu túi tiền không phải là vấn đề thì bạn nâng cấp full option hết cho mình. Còn nếu túi tiền là vấn đề thì mình sẽ phải chọn các điểm nâng cấp cho phù hợp nhất có thể để chạy xe đường dài. Mình sẽ list theo thứ tự ưu tiên nâng cấp:
 

  • Yên xe: Đi đường dài sợ nhất là đau hạ bộ, cho cả anh em lẫn chị em. Đo khoảng xương chậu để chọn yên cho đúng (lấy túi cát, ngồi lên lấy dấu 2 điểm hằn sâu nhất). Nên chọn yên có xẻ rãnh giữa sẽ đỡ đau. Tầm 500k - 600k là bạn có thể có 1 yên loại tốt và phù hợp. Nếu có $ thì bạn lấy yên da (Brook là top ~ 3tr, không thì Gyes ~2tr, đừng mua yên da thấp hơn). Hiện tại mình đang đi WTB comfort với cả 1 cái yên gel của Decathlon. ​

Picture

  • Tay nắm thoải mái: Đau nhiều nhất là đau vùng dưới, đau nhiều thứ 2 là đau cổ tay. Nguyên nhân là do 1 tư thế nắm tay ngang sẽ thường gây ra đè nén các dây thần kinh. Các loại tay nắm như Ergon  sẽ chỉnh lại góc tay và có các miếng đệm giúp giảm đè nén. 1 cặp tay kiểu ergon gp1 cũng chỉ khoảng 500-600k

Picture

  • Vỏ / lốp xe: chọn theo đúng địa hình và bộ môn mình định đi ( đường nhựa, đường đất , đường sỏi, đường đá, đường sình lầy). 1 cặp lốp quyết định rất lớn cảm giác của bạn trên xe, và thay vì bỏ ra vài chục triệu để giảm vài gram trên bộ cùi đề, bạn bỏ ra 1tr -2tr cho 1 cặp lốp xịn vừa nhẹ vừa bền vừa trớn vừa bám đường thì sẽ tốt hơn.

Picture

Cá nhân mình thì tour dài (xuyên việt) thì nên chạy schwable marathon, còn tour ngắn thì chọn loại nào đúng địa hình hoặc gravel (giữa trơn, viền gai) sẽ là ổn nhất. 

Nâng cấp mở rộng của xe mà mình nghĩ cần:
 

  • Tay lái alt bar: Jones H-Bar (ở VN có LKLM làm nhái theo), Velo Orange Crazy bar, Surly Moloko, Surly Corner bar, Kona Derham Bar (từ 1-3tr), hoặc tay cánh én / cánh bướm (300-500k). Các tay lái này sẽ cho bạn nhiều vị trí nắm, và các vị trí nắm sẽ giúp giảm đau tay, cũng như có nhiều vị trí cầm cho nhiều mục đích khác nhau (đổ dốc, né gió, thẳng lưng ngắm trời đất). Trong hình là tay surly moloko của mình. ​​

Picture

Đi cùng tay lái thì bạn có thể đổi pô tăng (stem) cho phù hợp với khổ người cũng là 1 lựa chọn tốt. Nếu xe lớn thì đổi pô tăng ngắn lại, hoặc xe nhỏ thì pô tăng dài ra. Chiều cao của pô tăng cũng sẽ giúp bạn thẳng lưng hơn và dễ chịu hơn trong chuyến đi dài. 
 

  • Cọc yên giảm chấn: khi nói xe êm hay không, quan trọng nhất là phản hồi của toàn bộ xe trên địa hình: bạn nên tham khảo thêm

https://www.youtube.com/watch?v=u1e3g8uqrJU
https://www.cyclingabout.com/best-suspension-seatposts-touring-bikepacking/

Trong các cọc yên hỗ trợ giảm xóc, thì rẻ nhất mình thấy là cái suntour NCX (2tr), còn lại các cọc khác từ 3-5tr. Yên Brooks B67 cũng có hệ giảm xóc bằng lò xo phía sau. Các hệ giảm xóc giá rẻ theo chiều dọc cốt yên  ~ 500k không nên mua lắm vì không hiệu quả.
 

Picture

Pedal: chọn cái nào nó bám chân mình, ~300k-500k / cái. Mình đã có 1 cái pedal MKS xịn xò của Nhật, trớn tốt nhưng không bám chân, mấy lần suýt ngã vì nó khi đi đường xấu.  Nếu có điều kiện và muốn tập thì mua luôn loại giày gắn pedal SPD (2tr giày + 1.5tr pedal).

Picture

  • Túi các loại / baga các loại: mình cực kì ghét cái gì treo lưng nhất là trong những cung đường dài, nhưng cũng có nhiều người ghét baga và muốn xe nhẹ nhất có thể. Đi chơi xa thì phải tải đồ, nên việc phải có trang bị phù hợp để tải đồ là bắt buộc. có 2 trường phái là bike packing (tối giản túi / ba ga) hoặc bike touring (full baga full túi). ​

Picture

Cá nhân mình thì đang là team baga, nhưng dạo này baga để thồ đồ đi làm thôi, còn lại mang 2 túi treo bé bé là đủ.
Baga : từ 500k / cái
Túi: 100k  tới 4000k.

Ngoài ra, nếu bạn nào lead đoàn, thì nên trang bị thêm đồng hồ đo tốc độ loại có dây để đảm bảo tốc độ của mình đều nhất có thể (Cateye - 350k) , và 1 bộ GPS dẫn đường (6-7tr). Mình vừa lộn 1 vòng vì dùng điện thoại mò đường. 


Mình sẽ không recommend bạn đổi groupset, mà sẽ chỉ recommend bạn là 6 tháng đem xe đi đại tu 1 lần, 1 tháng rửa xe + rửa sên cẩn thận là được. Xe được bảo trì tốt quan trọng hơn hơn là xe nhiều đồ xịn nhưng không được bảo trì. Nếu bạn muốn xịn xò thì cứ nâng cấp lên, theo thứ tự sau:

  • Sên: thay mỗi 2000km 
  • Líp: thay mỗi 4000km
  • Niềng (2 lớp, tubeless ready)
  • Thắng (dầu, má tản nhiệt)
  • Phuộc (nếu có phuộc nhún)
  • Groupset
  • Đùm (mà mình ghét cối nổ lắm nha)


3/ Dinh dưỡng:

Nước uống và đồ ăn dọc đường một cách khoa học là cách để bạn có thể thưởng thức xe đạp đường dài một cách dễ dàng nhất.
Kể chuyện cá nhân: mình từng nghĩ rằng, đạp xe bụng đói là cách giảm cân nhanh nhất. Không hề, trong chuyến SG-VT, mình đi bụng trống, không ăn gì cả dọc đường. Đến 80km, lúc đó mình tụt đường trong máu (tiếng anh: Bonking), lúc đó là vừa đạp vừa lết 20km cuối cùng cho đến được điểm ăn. Khi đã bonked rồi, thì việc ăn và hồi phục lại rất khó, và sẽ phải nghỉ rất lâu mới hồi phục được. Từ đợt đó, mình ăn uống khoa học hơn.
Ăn:

  • mỗi 1h sẽ đốt khoảng 300-600kcal (tuỳ cân nặng), ăn bù 50% nếu muốn giảm cân, còn không ăn bù 100%. nên nghỉ ăn uống mỗi giờ tầm 5-10p. 
  • các loại đồ ăn nên mang theo nên có nhiều đường để bù năng lượng nhanh nhất có thể. Món mình thấy hiệu quả nhất trong bù năng lượng tính tới giờ là món chuối sấy của anh Tiến Hùng cho đội đợt đi từ Nam Cát Tiên về Vĩnh Cửu. Chuối có nhiều tinh bột và Kali, giúp cơ bắp hoạt động tốt. 
  • dự tính tốc độ di chuyển 15-20kmh → mang theo số lượng đồ ăn phù hợp, xác định không mua dọc đường (đợt dịch hàng quán đóng hết, mình muốn mua thêm cũng khó nữa). 
  • Nếu mua được dọc đường thì nên mua theo các món có thể mang theo người ( bánh mì là số 1)


Uống:

  • Chuẩn bị sẵn nước, tinh thần là 0.75-1 L/h. Mình bị gout, nên nếu uống thiếu nước sẽ rất dễ bị viêm khớp, không di chuyển được luôn sau cung dài. Thường mình dùng 2 bình 0,75L, và mua thêm dọc đường. Nhiều bạn không muốn hoặc không có chỗ gắn bình thì có thể học theo chiêu của má đường : dùng 2 cọng dây rút cột chai nước lên khung / phuộc, và khi cần thì chọt nhẹ là có thể mở dây rút lấy chai ra. 
  • Nước lọc , còn không thì có thể chơi nước bù điện giải (Pocari / 100Plus). Nếu không có nước bù điện giải thì trà chanh đóng gói cũng là 1 lựa chọn không tồi. Nước mía cũng là 1 lựa chọn tốt. 
  • Chiêu mình thích nhất: cho vào trong bình nước 1 vài lát chanh, nước uống cảm giác thanh nhiệt cả ngày.
  • Hạn chế cà phê / bia / nước tăng lực / nước dừa. Mấy món này chơi vào lên được 1 chút, nhưng mà xuống thì cũng rất nhanh.