[Ghidong] Các loại ghidong xe đạp - Ưu và nhược điểm

Bài viết được viết bởi Batshop, xin vui lòng ghi rõ nguồn khi share 

Hi các bạn, hôm nay mình sẽ viết 1 bài về ghidong xe đạp, đây là 1 bộ phận trên xe đạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ thoải mái khi đạp, cũng như độ an toàn. Bản thân là 1 thằng đã sử dụng qua nhiều loại ghidong, mình xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với các loại ghidong này

I. Ghidong có tác dụng gì trên xe đạp ?

- Ghidong là 1 trong 3 nơi cơ thể bạn tác động vào khi đạp xe ( 2 chỗ còn lại là Yên xe và Pedal ). 1 cái ghidong tốt là 1 cái ghidong giúp bạn có tư thế đạp thoải mái và đáp ứng tốt các nhu cầu của bạn ( núp gió tốt / cứng cáp / gắn dc nhiều phụ kiện vvv )

Hiện có 3 dòng xe tương ứng với từng loại ghidong thích hợp ( mọi thứ chỉ là tương đối )

- Xe Road : đa số sử dụng ghidong dropbar . Với ưu điểm là cho khả năng núp gió tốt và tay thắng / tay đề nằm chung cho khả năng điều chỉnh nhanh
- Xe MTB : đa số sử dụng ghidong ngang . Với ưu điểm là chịu lực tốt và khả năng cầm nắm chắc
- Xe Touring : dòng xe này vừa có thể sử dụng dropbar ( Road Touring / Gravel ) hoặc ghidong thẳng, hoặc ghidong xéo. Nói chung touring thì tùy sở thích của mỗi người

Về chất liệu, Hiện có 4 loại chất liệu chủ yếu để làm ghidong xe đạp là Carbon ( Road / MTB ) , Nhôm ( Road / MTB / Touring ) Thép ( Touring ) và Titan ( MTB / Touring ) 

Giờ chúng ta sẽ đi vào từng loại ghidong

II. Ghidong Dropbar 

Ghidong Dropbar chủ yếu được dùng cho Road và các dòng Gravel, Gravel thì thường có độ dài rộng hơn Road với độ dài từ 440mm trở lên

Dropbar của Gravel thì độ dài dài hơn dropbar dành cho Road, giúp tư thế đạp thoải mái hơn

1 số dòng còn thiết kế thêm tay nghỉ để thêm tư thế đạp

Hiện nay Surly đang ra mắt dòng Corner Bar, là 1 dạng hỗ trợ tư thế đạp của Dropbar nhưng về kỹ thuật thì vẫn là ghidong thẳng, gắn được thắng và tay bấm rời ( Các dòng Dropbar trước phải dùng tay lắc - Tay thắng kết hợp tay đề và không sử dụng thắng dây dầu được )

Về chất liệu thì dropbar chủ yếu làm bằng nhôm và carbon. Thép thì quá nặng, còn titan thì khó chế tạo và không thích hợp để làm dropbar ( khó uốn cong, có độ đàn hồi cao hơn dễ bị rung khi chạy )

Các thông số cần lưu ý khi bạn mua 1 cây dropbar, đó là 
- Reach : Chiều dài về phía trước của Drop Bar
- Drop : Độ cao của Dropbar ( Xác định bởi điểm cao nhất và thấp nhất của Dropbar )
- Width : Chiều dài mặt trong của Dropbar 
- Full Width : Chiều dài mặt ngoài của Dropbar 
- Đường kính ghidong : Hiện đa số là 31.8

Để dễ hiểu thì bạn xem hình sau :

 

Hiện nay 1 số dòng Dropbar cho Gravel có chiều dài full đến 750, ngang ngửa các dòng flat bar 

Dropbar hiện cũng có nhiều dòng :

Standard Dropbar : Dòng dropbar tiêu chuẩn thường thấy trên các xe Road
- Track Dropbar : Dòng dropbar này thường dành cho xe Fixie hoặc single speed, ko gắn tay bấm và thắng

- Ergo Dropbar : Những dòng Dropbar có thiết kế dẹp, đi dây âm để giảm tối đa sức cản gió

 

- Time-Trial Dropbar : Các dòng Dropbar có thiết kế thêm tay nghỉ để chạy TT

 

Randonneur Dropbar : Đây là tiền thân của các dòng Gravel Dropbar hiện nay. Randonneur vốn là các dòng Dropbar dành cho các xe touring



Randonneur Dropbar thường có cấu tạo hơn vểnh lên và 2 bên nghiêng ra nhiều hơn để tạo độ thoải mái khi đạp

- Drop-in Bar

Loại dropbar này nó có thiết kế như kiểu dropbar fuck với ghidong cánh bướm và đẻ ra thằng này. 

Tư thế khi chạy Drop-in Bar, theo như mình tìm hiểu thì dòng này ra đời để hạ thấp ghidong hơn nữa nhầm tăng tính khí động học, nhưng sau khi có quá nhiều tay đua bị thoái hóa cột sống vì cái ghidong này thì dòng này đã thất truyền từ từ

- Dirt Dropbar : Đây là dòng Dropbar chuyên dùng cho offroad , được thiết kế cho các thanh niên thích chạy dropbar nhưng vẫn thích offroad

Dirt Dropbar với thiết kế phần tay nắm rất dài, giúp tăng độ vững chắc cũng như khả năng điều khiển khi đi đường xấu. Tuy nhiên với góc tay nắm xéo thì nó vẫn ko bằng được các dạng tay ngang

1. Những ưu điểm của Dropbar

- Nhiều tư thế cầm nắm

1 chiếc ghidong dropbar có thể giúp bạn thay đổi 5 vị trí cầm nắm, khi đạp lâu thì thay đổi vị trí tay nắm rất quan trọng. Nó giúp bạn đỡ mỏi các nhóm cơ khi phải cố định 1 tư thế tay nắm liên tục.

Tư thế chạy của dropbar khi nắm ở vị trí Hoods cũng được nhiều người bảo là thoải mái nhất ( mình thì chưa chạy dropbar mấy nên ko rõ )

2. Đỡ cản gió 

- Đây là lí do đa số xe road dùng dropbar. Với tư thế nắm ở vị trí Drops và cuối thấp người thì khi đó người của bạn tạo thành 1 mũi tên và nó giúp đỡ cản gió rất nhiều khi đạp

Trong các dòng ghidong xe đạp thì dropbar là loại ghidong có tính khí động học cao nhất. Bạn nào từng đạp xe trong cảnh gió ngược sml mà được núp gió sau 1 bờ mông to và đẹp thì sẽ hiểu được cảm giá này ( shop gửi lời cám ơn Hùng - the Tanker chuyên đi trước gánh gió cho team nhé :D ). Ngoài ra khi thả dốc thì tư thế núp gió cũng giúp các bạn thả được quãng đường xa hơn

Ngoài ra với chiều dài ngắn  40-44cm ( Road )  hoặc 46-48 ( ghidong Gravel ) thì ghidong Dropbar dễ dàng luồn lách những chỗ hẹp mà ko sợ vướng như ghidong thẳng ( 700-780 ) hoặc ghidong xéo ( 650 - 710 )

3. Hỗ trợ tốt khi leo dốc / Nước rút 

- Khi cần leo dốc hoặc đạp nước rút thì ghidong dropbar giúp bạn có tư thế đạp hiệu quả hơn ( chồm người về phía trước và đứng lên pedal đạp ) . Khi đó trọng lượng dồn về phía trước nó tạo thành 1 đòn bẩy lực giúp đạt được hiệu suất cao hơn so với các dòng ghidong thường

4. Dễ xử lý :

- Với việc kết hợp cả tay thắng và tay bấm vào trong 1 ( tay lắc ) thì bạn vừa có thể thắng, vừa có thể sang líp / dĩa chỉ với 1 vị trí nắm. 

2. Nhược điểm của Dropbar :

1. Dropbar khó điều khiển hơn, nắm ko vững

- Chiều ngang của dropbar khá hẹp so với các dòng ghidong xe đạp khác, do đó khi nắm thì tư thế 2 vai của bạn cũng bị thu hẹp, dẫn đến khó điều khiển ( không bẻ cua gấp và rộng dc như các loại ghidong thẳng ) và tư thế nắm cũng ko chắc dc như các loại ghidong có bề ngang rộng. Do đó dropbar không thích hợp để đi offroad trừ các dòng chuyên dùng cho Gravel có độ reach dài thì vẫn đi được 

2. Kén phụ tùng, phụ tùng mắc hơn các dòng ghidong thường, khó tìm phụ tùng thay thế

- Với thiết kế tay lắc thì đa số các dòng Dropbar chỉ sử dụng được với thắng cơ ( xài dây cáp ), do đó các dòng thắng dây dầu không sử dụng được với dropbar . Nên thường xe chạy Dropbar sẽ sử dụng thắng vành
- Hiện 1 số dòng tay lắc dropbar sau này đã update sử dụng thắng dĩa dầu tuy nhiên giá vẫn còn cao
- Các dòng phụ tùng thay thế cho dropbar cũng ko phổ biến như các dòng phổ thông khác
- Ngoài ra đa số dây thắng / dây đề của dropbar sẽ được quấn ở phía trong ghidong bởi dây quấn, do đó khi muốn tháo dây ra thì bạn phải tháo dây quấn ra nữa

3. Dropbar chịu lực yếu hơn

- Với thiết kế cong xuống nên khi đạp ở vị trí Drop thì tư thế đạp của bạn nó tạo thành 1 đòn bẩy, do đó lực tác động vào dropbar là rất lớn nhưng thiết kế cong lại khiến nó chịu lực kém hơn các loại ghidong khác

4. Dropbar khó gắn phụ kiện

- Với chiều dài ngắn và hầu như chỉ dành cho việc cầm nắm ghiddong thì dropbar còn rất ít chỗ để gắn các loại phụ kiện như đồng hồ / đèn / kèn / túi vvvv ... nhất là các dòng dropbar dạng dẹp thì còn khó hơn nữa, do đa số các ngàm của các loại phụ kiện trên đều thiếu kế cho ống tròn

Những loại dropbar dạng dẹp như vầy có ưu điểm là tăng tính khí động học, nhưng bù lại rất khó gắn phụ kiện 

5. Tư thế đạp không thoải mái ( tùy người )

- Lí do để mình không thích chạy dropbar đó là tư thế lúc nào cũng phải chồm về phía trước và cúi người. Dù nó có tác dụng là đỡ cản gió, nhưng mình vẫn thích tư thế đạp thẳng lưng hơn. Ngoài ra khi đạp dropbar thì do luôn cúi người về phía trước nên tầm nhìn của bạn cũng bị giới hạn, nếu đạp theo team thì chỉ thấy được mông đít của thằng đi trước. Còn style mình đạp thì thích ngó xung quanh hơn nên mình k hợp với dropbar

6. Phải sử dụng dây quấn

- Với thiết kế cong thì dropbar ko sử dụng được các loại tay nắm ( grip ) mà phải sữ dụng dây quấn. Mình thì vẫn thích cảm giác cầm nắm cái grip hơn là nắm dây quấn

III. Ghidong thẳng ( Flat bar )

Ghidong thẳng, như tên gọi của nó, là 1 cái ghidong có dạng thẳng :| , ko vòng vèo

Ghidong thẳng là loại ghidong căn bản và dễ thấy trên tất cả mọi chiếc xe đạp, vì nó đơn giản và rẻ hơn các loại ghidong khác. Ghidong thẳng có thể gắn trên nhiều dòng xe như MTB / Touring / City , trong đó MTB đa số là sử dụng ghidong thẳng .

Về chất liệu thì ghidong thẳng thường được làm bằng nhôm ( đa số ) hoặc carbon và titan cũng có . Hiện xe mình đang dùng ghidong FSA SLK nhôm, loại có backsweep như 8 hay 9% để đi tour cho đỡ mỏi tay .

Ghidong thẳng có 4 thông số bạn cần quan tâm là :



- Riser : Độ cao của ghidong. Thường những xe chạy Downhill sẽ cần ghidong có Riser cao ( con Cannondale Lefty của mình chạy ghidong riser cao ) vì khi đổ dốc thì cần dồn trọng tâm về phía sau xe nên nâng ghidong lên sẽ giải quyết được vấn đề này ( Ghidong thấp quá thì dể cắm đầu nhổng đít ) . Tuy nhiên nếu bạn chạy đường bằng hoặc leo dốc nhiều thì ghidong có Riser ngang ( 0mm ) sẽ hiệu quả hơn, do trọng tâm dồn về trước giúp đỡ mất lực hơn. Riser thường được tính bằng mm

Ghidong ngang vs Ghidong Riser
- Upsweep : Góc xéo lên : Có tác dụng tương tự như Riser, tuy nhiên xe có upsweep thì cầm nắm nó thoải mái hơn. Upsweep được tính bằng độ và thường từ 0 ( ngang ) đến 5 độ. Những xe All-Mountain và Enduro thường sử dụng ghidong có Upsweep

- Backsweep : Góc xéo về sau . Upsweep cũng được tính bằng độ và thường từ 0 độ  ( ngang ) đến 10 độ. Càng xéo về sau thì tư thế cầm nắm càng thoải mái, tuy nhiên khả năng chạy offroad sẽ kém hơn do càng xéo thì tư thế nắm nó ko chắc dc như ngang. Như xe mình là đang đi 8 độ, khá là thoải mái. Không bị đau cổ tay khi đạp đường dài như những ghidong ngang 0 độ

- Độ dài : Ghidong ngang có nhiều loại độ dài và nó tùy thuộc vào mục đích chạy cũng như chiều cao / độ dài tay của bạn. VD như chạy trong thành phố thì có thể đi ghidong có bề ngang tầm 660-680 gọn gàng dễ xoay sở, chạy offroad thì sẽ cần dài hơn, trên 700 để dễ điều khiển. Xe mình đang đi là 740mm và mình thấy khá thoải mái, chạy offroad cũng được mà đi đường trường cũng ok. Bạn có thể cắt ngắn 1 cái ghidong dễ dàng với tool cắt ống, tuy nhiên ngược lại thì ko dc. Nên hãy mua trừ hao độ dài ghidong, gắn lên xe rồi chạy thử để xác định được độ dài ghidong cỡ nào là thoải mái cho bạn .

- Đường kính potang : Hiện nay 31.8 vẫn là loại phổ biến. 25.4 đã bắt đầu ít  xuất hiện do với đường kính potang nhỏ thì ghidong cũng nhỏ, dẫn đến ghidong bị yếu, không phù hợp cho các dòng MTB nên đa số hiện nay các ghidong thẳng đều dùng chuẩn 31.8 . 25.4 chỉ còn trên xe touring và city. Hiện nay cũng đã có dòng ghidong sử dụng potang 35mm to hơn 31.8mm với ưu điểm là ống to hơn, cứng hơn 31.8, tuy nhiên cũng nặng hơn. Các ghidong carbon sử dụng 35mm chịu lực tốt hơn 31.8 kha khá do khi đó lực ép của potang lên ghidong nó chia ra nhỏ hơn do diện tích tiếp xúc lớn hơn 

 Ghidong 35mm thường được sử dụng trên xe Downhill do có độ chịu lực tốt hơn 31.8

1. Ưu điểm của ghidong thẳng :

- Ghidong thẳng dễ điều khiển, tư thế cầm chắc chắn : Đây là ưu điểm lớn nhất khiến đa số các xe đạp MTB đều sử dụng ghidong thẳng . Ngoài ra bàn tay bạn luôn đặt cố định ở vị trí thắng cũng tăng độ an toàn ( Dropbar thì có những vị trí nắm tay ko đặt ngay thắng )
- Ghidong thẳng có giá rẻ hơn các dòng ghidong khác. Nếu chỉ chạy chơi chơi thì 1 cái ghidong thẳng vài trăm k cũng đáp ứng được nhu cầu của bạn
- Ghidong thẳng nhẹ nhất trong tất cả các loại ghidong : Với thiết kế đơn giản thì trọng lượng của ghidong thẳng cũng nhẹ nhất, chỉ từ 200-300gram / cây. Các dòng chuyên dùng cho downhill thì có thể nặng hơn
- Dễ tìm phụ kiện, dễ thay thế, sửa chữa : Đa phần các phụ kiện xe đạp dành cho ghidong thẳng đều dễ tìm và có 1 chuẩn chung ( trừ potang ) đó là dành cho các ghidong có đường kính lắp là 22.2mm. Các loại tay đề, tay thắng, bát bắt đồng hồ , đèn, kèn vvvv ... đều thiết kế để gắn cho ghidong thẳng dễ dàng. Việc thay thế, tháo lắp cũng dễ hơn so với ghidong Dropbar ( trình gà như shop nhưng vẫn thay ghidong thẳng dc, còn dropbar thì chịu chết )
- Dễ gắn phụ kiện : với chiều dài lớn thì bạn có thể gắn được nhiều phụ kiện hơn, cũng như có thể gắn dc đủ loại tay nắm,, túi, sừng trâu các kiểu

Dùng ghidong thẳng thì tha hồ gắn phụ kiện. Xe mình thì đang dùng Ergon GP1 và khá là hài lòng
- Ngoài ra khi chạy ghidong thẳng trên con Scott thì tầm nhìn của mình cũng rất thoải mái. Là 1 thằng thích vừa đạp vừa ngó nghiêng để kiếm góc chụp hình sống ảo thì mình hoàn toàn hài lòng với ghidong mình đang đi

2. Nhược điểm của ghidong thẳng :

- Ghidong thẳng có tính khí động học kém : Do tư thế ngồi thẳng lưng ( lưng có chồm về phía trước nhưng vẫn thẳng so với dropbar là cúi thấp đầu ) nên chạy ghidong thẳng vẫn cản gió nhiều hơn dropbar. Tuy nhiên với ưu điểm là gắn được nhiều loại phụ kiện thì bạn vẫn có thể gắn tay nghỉ ( rest bar ) để thêm tư thế chạy núp gió cho ghidong thẳng. Nhưng cá nhân mình thì thấy gắn rest bar chạy hơi nguy hiểm với tình hình giao thông VN, do việc chuyển từ tư thế đang nắm restbar sang bóp thắng nó mất nhiều thời gian 




Tay nghỉ cho ghidong ngang

- Chỉ có 1 vị trí cầm nắm : Ghidong ngang đúng chuẩn chỉ cho bạn 1 vị trí nắm ghidong duy nhất, nhưng chúng ta cũng có thể khắc phục điểm yếu này bằng cách lắp các loại phụ kiện như sừng trâu, tay nghỉ, tay nắm vvvv

Sừng trâu loại này cung cấp cho bạn thêm 2 vị trí nắm

Các loại tay nắm có sừng cũng cung cấp thêm cho bạn nhiều vị trí nắm

- Ghidong thẳng đi xa, đi lâu không thoải mái : Do có dạng nằm ngang, nên khi cầm nắm lâu thì bạn sẽ bị hiện tượng đau cổ tay ( có thể khắc phục bằng cách mua loại có backsweep lớn, tuy nhiên cũng chỉ đỡ được phần nào )

IV. Ghidong xéo

Để khắc phục nhược điểm lớn nhất của ghidong thẳng là đau tay khi đi xa và chỉ có 1 vị trí , dân touring đã chế ra nhiều loại ghidong có tay nắm dạng xéo, trong đó phỗ biến nhất là các dòng của Jones H Bar

 

Ghidong xéo giải quyết được vấn đề đau cổ tay khi đạp xa, và tùy vào hình dạng mà nó có thể cung cấp nhiều vị trí cầm nắm giúp ta thay đổi tư thế khi đạp

Đây là cây H Bar titan mình đang sử dụng trên con titan Motobecan, mình đã gắn thêm sừng trâu để có thêm được tư thế chạy núp gió. Nhưng khổ nổi là dạo này bụng to quá cứ chạy núp gió là cấn bụng méo chạy được :(

1 số dòng ghidong xéo thông dụng nữa là Moloko Bar của Surly

Crazy Bar của Velo Orange

Hiện tại Batshop cũng có nhiều loại ghidong xéo bằng titan / nhôm :D . Và có nhiều loại made by Batshop bằng thép nữa mà dịch vật xưởng đóng cửa nghỉ rồi ko làm dc nữa

H Bar và Moloko Bar made by Batshop

H Bar là cây ghidong mình sử dụng 1 thời gian rất dài và mình đã trải nghiệm qua nhiều chuyến đi với nó, thì mình đánh giá nó là 1 trong những cây ghidong tốt nhất cho touring hiện nay

Tư thế cầm nắm của H Bar rất thoải mái, nhất là khi kết hợp với tay nắm Ergon loại GP1. Nó giúp vai, cổ tay, cánh tay, lòng bàn tay, tất cả đều trong 1 tư thế thoải mái và ít bị lực tác động trực tiếp ( Chạy ghidong ngang thì cổ tay và khủy cánh tay với vai là 3 thứ mình mỏi nhất ). Lúc đi con titan 1 ngày mình có thể đạp trên 12 tiếng, thậm chí 18 tiếng nhưng vẫn ko đau người như khi đạp con Scott đi ghidong ngang
Ngoài ra nó cũng có thể tải dc thêm rất nhiều món trên ghidong, như trong hình là mình gắn dc 2 túi, 1 túi Ortlieb và 1 túi trống phía dưới, phía trên để thêm dc chai nước hoặc đồ linh tinh
Chỉ có 3 điểm mình không thích nhưng có thể khắc phục được đó là :
- Khó gắn được các loại túi ghidong dạng treo phía trước ( do nó không tựa vào cổ phuộc dc ). Mình khắc phục bằng cách chế thêm bát đỡ
- Các loại ghidong xéo cần đi dây thắng, dây đề dài hơn bình thường do bề ngang nó dài và xéo về phía sau ( cái này thì thay dây thôi nếu xe nào ko đủ dây )
- Khó gắn đèn trước nếu gắn túi ( khắc phục bằng cách chuyển đèn xuống bắt ở phuộc )

1 nhược điểm nữa là các dạng ghidong xéo này thường mắc hơn ghidong thẳng.Trong đó rẻ nhất là ghidong cánh én, Chỉ khoảng dưới 300k là bạn có thể thay được ghidong cánh én. Có thể là nhìn nó không đẹp ( nhất là khi gắn vào xe MTB ), nhưng mình tin rằng đó là thứ đáng tiền nhất để giúp bạn đạp xe thoải mái hơn

V. Ghidong cánh bướm 

1 loại ghidong khác cũng được rất nhiều bạn thích gắn ( mình cũng gắn hồi mới chơi, nhưng đi dc 1 tour ra Huế là tháo bỏ luôn ). Đó là ghidong cánh bướm, mặc dù cánh bướm được rất nhiều bạn ưa thích nhưng đối với mình, nó là 1 cái ghidong ko ngon .
Các nhược điểm của cánh bướm mà mình thấy là :
- Ghidong rất yếu và rung ( cánh bướm xịn thì mình k biết chứ cánh bướm 200 300k thì chạy đường dằn nó rung như sextoy, còn đi offroad thì thôi, nghỉ luôn đi ). Và nhôm thì nó có độ mỏi kim loại, rung nhiều quá thì nó sẽ dẫn đến yếu và gãy ghidong. Các ghidong cánh bướm xịn làm bằng thép thì khắc phục được điểm này, nhưng bù lại là nó nặng vãi linh hồn luôn
- Bề ngang hẹp, nắm ko vững, cánh bướm chỉ ngang dc max khoảng 600mm
- Tư thế nắm như flatbar, dễ đau cổ tay
- Đổ dốc, bo cua cảm giác rất chông chênh
- Kén tay nắm, cánh bướm chỉ thích hợp quấn dây quấn ghidong chứ k phù hợp để gắn tay nắm

Ghidong cánh bướm gắn thêm restbar

VI. Folding Bar

1 dạng ghidong khách mình cũng đã sử dụng 1 thời gian dài, đó là loại ghidong dành cho xe gấp ( folding bar ). Trong hình là con Humpert Classic mình đi trong tour de Asean lần đầu tiên

Đây là dòng thiết kế cho xe đạp gấp nên nó có thể tháo rời 2 sừng 2 bên dễ dàng để khi gấp gọn xe lại không bị vướng ghidong. Loại cao hơn thì có thể gấp ngược ghidong lại được luôn

Gấp lại thì nó như vầy, rất tiện khi bạn cần bỏ xe lên xe đò, máy bay hoặc đơn giản là muốn xếp xe lại cho gọn. 
Con Humpert này đi khá ổn với mình trong thời gian đầu vì nó cứng cáp và cũng có nhiều tư thế cầm nắm, lại gắn túi được dễ dàng. Tuy nhiên nó lại có 2 nhược điểm chính : Đó là nặng ( gần 1kg ) và bề ngang thấp ( chỉ dài có 580mm ) nên đi lâu thì cũng bị mỏi vai, và không đi offroad được . SAu khi sử dụng thì mình thấy ưu điểm lớn nhất của nó là có thể tháo / gập ghidong lại được thì mình ko xài đến mấy ( xả ốc potang xoay đầu ghidong còn nhanh hơn ) nên mình đã quyết định đổi qua loại ghidong khác xài

 

Bình luận

Ryder 18/02/2024

Wonderful blog! I found it while searching on Yahoo News.
Do you hsve any tops oon hoow too get listed in Yahoo News?
I've been trying for a while but I never seem to get there!
Thanks

Also visit my web blog: Jessica