[ Pedal ] Pedal can là gì - Ưu và nhược điểm của pedal can hay là lời tâm sự của 1 thanh niên từng đi pedal can té sml

Bài viết được viết bởi Batshop, vui lòng ghi rõ nguồn khi share

Có 1 truyền thuyết đô thị kể rằng khi 2 đạp thủ tranh luận với nhau mà ko ai chịu thua ai, thì sẽ vạch quần ra và đếm xem chân ai nhiều sẹo hơn thì người đó thắng. Vì chắc chắn là ai sẹo nhiều hơn thì té nhìu hơn, mà té nhìu hơn là đạp nhìu hơn. Vậy hôm nay mình sẽ bàn về cái mà giúp chúng ta có nhiều sẹo để có thể có chỗ đứng trong giới xe đạp, đó là cái Pedal

Hiện nay có 2 loại pedal xe đạp chủ yếu, đó là pedal phẳng ( Flat ) và pedal can ( clipless ). Trong đó pedal can là 1 bộ bao gồm pedal can và giày can thì mới dùng được, còn pedal phẳng thì bạn có thể đạp bằng giày bình thường hoặc cả chân đất cũng dc ( với dòng pedal phẳng không đinh ). Ngoài ra nó còn loại kết hợp 1 mặt can, 1 mặt phẳng để các bạn dễ lựa chọn. Có nhiều chuẩn pedan can như SPD cho MTB / SPD-SL cho Road của Shimano . Rồi chuẩn của CrankBrother, của LOOK Kéo , của SpeedPlay vvvv

Pedal phẳng thì thông dụng và dễ hiểu rồi ,nên hôm nay mình sẽ bàn về pedal can

I. Pedal can là gì ?

Pedal can ( Clipless ) là tên gọi của loại pedal nó có khóa và sẽ khóa  cứng vào giày của bạn khi đạp. Để sử dụng pedal can thì bạn cần có giày có gắn đế can thích hợp với chuẩn của pedal ( khác đế ko dùng được ) . như trên hình là pedal sử dụng chuẩn SPD của Shimano dành cho MTB

Để sử dụng được pedal SPD thì bạn cần phải có giày có gắn cleat ( can ) chuẩn SPD

Giày có gắn cleat SPD

Hiện mình mới chỉ sử dụng có chuẩn can SPD của Shimano, nên mình chỉ biết vào can và ra can của SPD, nên trong bài này mình cũng chỉ đề cập đến chuẩn can SPD của Shimano : Để vào can, bạn đặt mũi giày có miếng cleat lên pedal và ấn nhẹ, nghe tiếng cách 1 cái là pedal đã vào khớp và khóa chặt. Còn để tháo can thì bạn lắc nhẹ mũi chân qua trái hoặc phải, pedal nó sẽ nhả cleat ra. Bạn có thể chỉnh độ nặng nhẹ của pedal bằng cách điều chỉnh núi + / - ở ngay trên pedal . Chỉnh nhẹ quá thì dễ tuột giày ra khỏi pedal khi đạp nhanh hoặc đứng lên đạp ( té dập mặt ), chỉnh nặng quá thì rút can ra không kịp khi bị bất ngờ ( cũng tế dập mặt ) . Do đó pedal can là thứ giúp bạn có số má nhanh nhất trong giới đạp thủ @.@ 

Pedal can được sử dụng lần đầu tiên tại Tour de France năm 1984 với thiết kế của LOOK. Năm 1985 , Bernard Hinault đã vô địch Tour de France với pedal can của LOOK và kể từ đó, tất cả các vận động viên chuyên nghiệp đều chuyển sang dùng pedal can vì những ưu điểm của nó

Tản mạn 1 chút : Bình thường mọi người sẽ chạy pedal flat rồi mới lên pedal can, còn mình thì ngược lại. Mình lại chạy pedal can rồi mới chạy pedal flat. Vì con xe thứ 2 mình mua là Cannodale Lefty nó có sẵn pedal can ( 1 mặt can 1 mặt flat ). Khi mua xe xong thì mình nghe các pro legend trong giới xe đạp bảo rằng đạp thủ pro là phải đi giày can, mới gây dựng dc số má trong Yang Lake dc. Mình rất ngưỡng mộ nên ngay lập tức đi mua giày can và cleat, sau đó gắn vào chạy thử. Và vừa chạy dc chắc 50m thì té sấp mặt ngay khúc cua đầu tiên :|

Sau rất nhiều lần té, kèm theo rất nhiều nước mắt và bông băng thuốc đó ( may mà răng cỏ còn nguyên, ko ảnh hưởng đến vẻ đẹp trai ) thì mình bắt đầu quen với việc đạp có can và nó ảnh hưởng tốt đến tư thế đạp cũng như cách đạp của mình : Đó là mình ko bị đạp sai vị trí bàn chân ( luôn đạp bằng mũi bàn chân chứ k phải lòng bàn chân ) , và cách đạp của mình là đạp quay ( đạp quay nhanh và nhẹ chân ). Đạp can nó hỗ trợ rất tốt cho việc đạp đường trường cũng như leo dốc, vì khi đó cả 2 chân bạn đều hoạt động khi đạp ( 1 chân đạp, 1 chân kéo ) chứ ko phải chỉ có 1 chân như đạp pedal flat ( chỉ có 1 chân đạp ). Mình đạp pedal can dc khoảng 4 năm, thử qua nhiều loại pedal can như pedal theo xe của con Cannodale ( tự nhiên quên mất tên, chỉ nhớ là nó dùng chuẩn SPD và là loại 1 can, 1 flat ). Sau đó mình chuyển qua XT-M8000 ( 2 mặt can ) rồi XT-T8000 ( 1 can 1 phẳng ), và giờ thì mình đi pedal flat là XT-M8000 bản flat ( có 1 thời gian xài Saint nữa )

Khi đạp pedal can thì khả năng đạp của mình rất tốt, 1 ngày đạp 200km là bình thường, thậm chí có ngày mình từng đạp lên 300km 1 ngày với pedal can vẫn đạp được, lí do là vì nó mất ít sức hơn khi đạp pedal flat. Tuy nhiên trong chuyến đi Bù Gia Mập năm 2017 thì phải, thì mình quyết định bỏ pedal can mà chuyển qua flat. Lí do là vì xém nữa mình bay màu vì cái pedal can.

Tour đó mình đi băng rừng Bù Gia Mập, nhớ ko lầm là khoảng tháng 8, trong mùa mưa và đường rất trơn + xấu. Mình nhớ lúc đó mình đạp qua 1 đoạn đường mà bên trái là 1 cái hố rất to và sâu ( té xuống lút đầu người ), bên phải là bụi cây toàn gai, lane đường thì là đường đất đỏ offroad đá lổn nhổn và rất trơn. Mình đạp qua và bị trượt bánh, chân thì đang gắn can và giật ra ko kịp. Lúc đó té chỉ kịp lấy hết sức đổ mình về bên phải vì biết té qua bên trái thì nhẹ lắm là phải gãy xương, mà té trong đó thì chỉ có nằm trong đó ko cách chi ra tới chỗ có khu dân cư được. Kết quả may là té được vô bụi gai, trầy hết người, trật sơ mi cổ chân, vai, tay cũng bầm tè le. Nhưng đó vẫn là may mắn rất nhiều so với chuyện lọt xuống cái hố kia.

Kể từ sau vụ đó, mình quyết định chuyển qua đạp pedal flat dù pedal can rất nhiều lợi điểm, nhưng do mình hay đi 1 mình, lại đi những nơi vắng, ít người, do đó chỉ cần 1 sai lầm thì có thể phải trả giá rất cao, nên mình quyết định ko sử dụng pedal can nữa. Viết dông dài để các bạn hiểu vì sao mình ko đạp can mà chuyển qua đạp flat .

II. Ưu điểm của pedal can so với pedal flat

1. Pedal can giúp tăng hiệu suất khi đạp :

- Khi bạn đạp với pedal flat, lúc chân trái bạn nhấn xuống pedal thì chân phải bạn nhấc lên, lực để kéo chân phải lên nó ko có tác dụng hỗ trợ cho chân trái, do ko có gì giữ chân bạn với pedal. Nên lực đó là hao phí
- Còn khi sử dụng pedal can, do chân bạn dính chặt vào pedal, nên khi bạn nhấc chân phải lên thì bạn cũng kéo pedal lên theo, do đó lực kéo chân phải nó sẽ hỗ trợ cho chân trái, giúp bạn quay đều chân và ko hao mất lực vô ích như khi đạp pedal flat. Đó là lí do mà đa số xe road đều chạy pedal can. 1 khi đã luyện được kỹ thuật quay đều chân thì bạn sẽ mất ít sức hơn để giữ guồng quay đó với pedal can

Theo nghiên cứu đo đạc của Mbr.co.uk thì hiệu suất trung bình khi đạp bằng pedal can so với pedal flat là hơn khoảng 9% . 

 

2. Hỗ trợ nhiều kỹ thuật đạp :

- Dễ thấy nhất là khi các tay đua nước rút gần về tới đích thì đều đứng lên pedal mà kéo. Khi đó pedal can nó giúp giữ cứng vị trí chân để bạn tập trung toàn lực mà kéo nước rút. Còn với pedal flat, chỉ cần trượt chân khỏi pedal 1 phát khi đang kéo nước rút thì nhẹ lắm là bể bi, răng môi lẫn lộn, còn nặng thì ... Các kỹ thuật trong MTB như bốc đầu, nẹt bô, nhấc đít sau cũng cần đến sự hỗ trợ của pedal can. Đa số các vận động viên chuyên nghiệp đều sử dụng pedal can vì nó hỗ trợ rất nhiều trong việc thi đấu

À quên là đối với những bạn chạy Fixie ( xe không có thắng, thì pedal cũng chính là cái thắng, do đó chạy Fixie thì buộc là phải chạy pedal can hoặc pedal rọ ( straps pedal )

Straps pedal, ko thuộc clipless pedal ( do vẫn có bàn đạp ) nhưng thôi cũng đưa vào luôn cho mọi người dễ hình dung. Cá nhân mình thì thấy kiểu pedal này chạy hơi nguy hiểm, do khi thắng gấp thì rất dễ k rút chân kịp và té

3. Pedal can đỡ ảnh hưởng tới đầu gối. Trong trường hợp còn 1 chân thì vẫn đạp dc

- Khi sử dụng pedal flat, toàn bộ lực của bạn tác động lên pedal là lực nhấn, do đó đầu gối sẽ là chỗ chịu nhiều lực nhất và nó sẽ dễ dẫn tới đau khớp gối
- Còn khi đạp pedal can, ngoài lực nhấn thì bạn còn có lực kéo, và lực kéo này sử dụng cơ đùi, nên nó sẽ giảm lực tác động lên gối. Thậm chí nếu đau đầu gối thì bạn dùng cả 2 đùi để kéo pedal cũng được :))) ( nếu ko bị chuột rút ) . Hoặc trong trường hợp bị đau 1 chân ( chuột rút, căng cơ, đau gối vvvv ) thì với pedal can bạn vẫn có thể đạp bằng 1 chân được. Mình từng đạp đâu đó như gần 20km với 1 chân do chân kia bị trật sơ mi cổ chân, chỉ đặt hờ được lên pedal

4. Luôn đạp đúng tư thế :

- Với chân bị khóa cứng vào pedal thì bạn ko thể đạp sai tư thế được ( nhớ setup giày cho chuẩn và đúng là được ). Ngoài ra khi đạp với pedal can thì mình ko có cảm giác bị đau mũi bàn chân khi đạp với pedal flat. Vì khi đó lực tác động lên chân nó chia đều ra ( khi dùng lực kéo thì nó kéo cả đôi giày lên ) chứ ko chỉ có mỗi lực nhấn vào mũi bàn chân

5. Giúp giữ tua chân ( cadence ) nhanh và đều 

- Khi đạp pedal can thì chân bạn luôn dính và cố định, đùi, đầu gối, bắp chân chỉ có đúng 1 tư thế và guồng chân chỉ có lên / xuống liên tục, do đó nó giúp bạn giữ được vòng tua chân đều cũng như quay chân nhanh hơn. Đi can mà đạp đường trường, bằng phẳng và vắng vẻ thì rất sướng, cứ quay đều quay đều thôi

6. Pedal can nhẹ hơn :

- Với cấu tạo chỉ cần mặt khóa, ko cần chỗ để tựa chân thì các pedal can ( MTB ) đa số đều gọn nhẹ

 

 

 

7. Không bị trượt chân khi đạp 

- Chắc hẳn nhiều bạn đạp pedal flat đã tứng bị tình trạng đang đạp thì bị trượt chân, nhất là khi trời mưa hoặc chạy đường sình nhiều quá nó bám đầy pedal và đế giày dẫn đến trượt. Và cảm giác nguyên cái pedal toàn đinh đập thẳng vô ống quyển chắc là rất thốn và khó quên. Nếu đạp pedal can thì sẽ tránh dc tính trạng đó ( có té thì té nguyên con thôi ). Ngoài ra khi chạy offroad tưng tưng thì cũng hay bị trượt chân nữa

8. Không phá đế giày ( chỉ phá cleat )

- 1 vấn đề nhiều người gặp khi chạy pedal flat đó là mau hư đế giày cho đế tiếp xúc với hàng đinh trên pedal, nhất là những loại giày ko thiết kế cho đạp xe ( Mình từng gặp 1 anh khách mang đôi gì cho runner mấy củ bạc đi đạp xe, đạp dc mấy chuyến về nát đế luôn ). Do khi đạp can thì toàn bộ phần chịu lực là cleat ( giữa cleat với giày thường được gia cố rất cứng ) nên khi đạp thì phần đế giày ko bị ảnh hưởng bởi pedal, chỉ có cleat là bị mòn theo thời gian và phải thay . Khi cleat đã mòn thì nó hay bị lỏng can và dễ tuột

III. Nhược điểm của pedal can :

1. Té SML 

- Vâng, với 1 thanh niên mong manh dễ vỡ hay khóc thầm như mình thì cú té trong Bù Gia Mập ( dù trước đó cũng đã té nhiều lần ) đã khiến mình chia tay pedal can. ai chửi mình nhát thì mình chịu, nhưng với style đi của mình thì chỉ cần té hư xe hoặc bong gân nhẹ trong rừng cũng đủ khiến mọi thứ thành thảm họa. Skill mình cũng ko cao nên té như cơm bữa, nên thôi an toàn là trên hết, mình đành chia tay pedal can

1 bạn sau khi đọc bài này đã gửi cho mình 8 chữ đúc kết sâu sắc :" Rút ra không kịp, ân hận cả đời "

2. Kén giày

- Mình đã thử qua nhiều loại giày can xài cleat SPD ( vì trước giờ chỉ đi pedal SPD ) thì rút ra kết luận là tất cả đều khó đi hơn giày bình thường, từ giày chuyên cho bọn chạy MTB kết hợp vác xe leo núi của Shimano . Hình như là Shimano MT5 thì phải

Đôi này 1 chiếc đã mãi mãi nằm lại trong rừng Bù Gia Mập :(

Sau đó mình chuyển qua đạp Keen Commuter là dòng sandal

Đặc điểm chung của các dòng giày can, đó là nó ko thích hợp để đi những cung đường mình đang đi ( offroad, vác xe leo núi, lội suối vvvv ) đó là nó ko bám đường, và dễ bị đất, cát lọt vào giữa cleat. Đi mấy đường đó thì cứ phải chà rửa cleat và pedal liên tục rất mệt. Dĩ nhiên là nếu đi onroad thì nó vẫn đi tốt

Giờ đạp xe mình hay đi con giày thể thao gì của Li-Ning thấy ổn lắm mà bền nữa, đi 2 năm rồi chưa thấy bị gì. Keen vô chân mình cũng chỉ sống dc có 2 hay 3 năm gì là bung đế rồi

3. Pedal can / Giày can / Cleat - tất cả đều mắc

- Bạn có thể mua 1 cặp pedal flat giá vài trăm k và đạp dép lào hay giày sandal vài trăm k nó vẫn ổn. Nhưng đã dính vô pedal can thì ko rẻ được. 1 bộ pedal can bèo nhèo cũng phải trên dưới 1tr, hàng Shimano ổn ổn thì cũng phải trên dưới 2tr. Chưa tính giày để đi can ( con MT5 và Keen Commuter mình mua cách đây 4-5 năm cũng cỡ 2tr5 / đôi . Trong khi đôi Li-Ning mua cách đây 2 năm có 1tr hơn chạy bét nhè, chưa kể đi chơi với crush hay tập gym đều dc ) Đi chơi với crush mà mang giày can đi cứ bộp bộp nó chả đánh cho to đầu :(

- Chưa kể là cleat sẽ bị mòn theo thời gian, 1 cặp cleat Shimano SPD cũng cỡ 250k, đi chắc dc 2 3 năm là phải thay

4. Cần phải có thời gian làm quen với việc đạp can, và xác suất té sml vẫn luôn xảy ra

- Chắc chắn là bất cứ ai khi mới bắt đầu đạp can cũng té, và sẽ mất 1 khoảng thời gian dài để luyện thành phản xạ tự động lách chân để tách can ra khi cần. Mình chạy can 3 4 năm mà đôi khi vẫn té vì những lí do rất nhảm như dừng đèn đỏ mà đang suy nghĩ nhớ về crush thế là từ từ té rất nhẹ nhàng và dịu dàng xuống vỉa hè. Hoặc đang chạy bị xe cắt đầu hay ủi đít giật mình rút can ko kịp cũng té

5. Lúc nào cũng phải mang giày can

- Mình từng đi rất nhiều tour dài với giày can và mình rất oải nếu khách sạn nào ko có dép cho khách, vì cảm giác tối đi ăn phải mang theo đôi giày can nặng chịch rất oải, chưa kể đi nó cứ kêu cộp cộp, lỡ gặp yang lake thôn nó tưởng mình khịa nó nó xiên cho thì lại xui. Và trong trường hợp lỡ bạn bị hư giày hoặc mất giày ( như kì mình đi Bù Gia Mập, bước 1 phát lún cmn đôi giày xuống dưới bùn ngập tới đầu gối, bươi lên được thì cái đế giày nó nằm lại luôn ko kéo ra dc, nếu lúc đó bạn đi những loại pedal chỉ có 2 mặt can thì cho dù có mua được đôi dép khác cũng rất khó đạp ( Đó là lí do đa số pedal can cho touring thường có 1 mặt can, 1 mặt phẳng )

Pedal can cho touring thường hỗ trợ 1 can 1 phẳng

6. Pedal can dễ hư hơn pedal flat, hư dọc đường thì k biết sửa sao

- Do có nhiều bộ phận hơn pedal flat, pedal có thể bị hư hỏng dọc đường ( mình thì chưa bị ) nhưng trong trường hợp hư thì cũng rất khó sửa hoặc tìm mua đồ thay thế. Chưa kể pedal can có rất nhiều chuẩn và các chuẩn đó đều ko tương thích với nhau, ko như pedal flat thì chỉ có 1 chuẩn