[Thắng xe] Tổng quan về thắng dĩa xe đạp

Hôm này mình sẽ viết 1 bài chi tiết chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc sử dụng thắng dĩa xe đạp, 1 bộ phận theo mình là quan trọng nhưng ít dc mọi người chú ý trên xe

Trong bài viết này mình chỉ nói về thắng dĩa dầu ( gọi tắt là thắng dĩa ), vì bản thân mình chỉ dùng thắng dĩa dầu, về các loại thắng khác các bạn có thể xem ở đây :
https://batshop.vn/blogs/news-review/thang-dia-hay-thang-v-uu-va-nhuoc-diem-cua-tung-loai
https://batshop.vn/blogs/news-review/thang-dia-vs-thang-v-phan-2-uu-va-nhuoc-diem-cua-thang-v

I. Chức năng của thắng dĩa trên xe đạp :
- Chức năng của thắng dĩa là giảm tốc độ của xe đạp, cụ thể là giảm tốc độ của bánh xe, bằng cách ép các piston trên heo dầu vào dĩa thắng. Tuy nhiên thắng dĩa chỉ giúp giảm tốc độ của bánh xe, còn tốc độ của cả xe nó còn liên quan đến độ bám của vỏ xe với mặt đường

Nói cho dễ hiểu là nếu cái vỏ bạn đang đi quá trơn ( ít gai ) hoặc cái đường bạn đang đi quá trơn ( đường sình , ướt ) thì khi bóp thắng cái thắng sẽ khóa cứng được bánh xe nhưng giữa bánh xe và mặt đường nó ko bám nên sẽ dẫn đến hiện tượng trượt bánh. Do đó nếu 1 bộ thắng ngon thì phải đi với 1 cái vỏ bám đường thì nó mới có tác dụng
 

Sình mà nó bám tròn vo vầy thì ko thắng nào độ nổi đâu
 

Bản thân mình đang sử dụng 3 loại thắng dĩa trên 3 chiếc xe bao gồm :

- Shmano XT M8000 trên con Karakoram ( 2 pis )
- TRP Slate 4 trên con Scott ( 4 pis )
- Magura MT5 trên con LKLM ( 4 pis )

Trong đó con Scott là con chuyên dùng để đi offroad nặng, còn 2 con kia chỉ long nhong đi kiểng, và mình đánh giá con Slate 4 là ngon nhất
 
II. Cấu tạo của thắng dĩa :
- 1 bộ thắng dĩa cấu tạo cơ bản bao gồm 3 bộ phận : Tay thắng - Dây dầu - Heo dầu
- Tay thắng có phân biệt trái và phải ( 1 số tay như Magura hỗ trợ đổi chiều, tức là gắn trái phải đều dc )
- Dây dầu có phân biệt trước và sau ( Dây trước ngắn hơn dây sau )
- Heo dầu thì như nhau

Về tay thắng, các bạn có thể tùy chọn VD như thắng trước tay phải, thắng sau tay trái hoặc ngược lại, cái đó tùy thói quen sử dụng của mỗi người. Như mình thì thường vừa đạp vừa cầm điện thoại bằng tay phải để chụp, nên mình để thắng sau bên trái, thắng trước bên phải ( thắng 1 tay mà bóp thắng trước dễ quẹo bánh xe té )
 

 


Cấu tạo của heo dầu xe đạp, bệnh phổ biến nhất của thắng dầu là xì dầu, thường nằm ở mấy cái seal. Seal xài 1 thời gian lâu, hoặc khi lắp đặt ko khít, có độ vênh thì heo dễ bị xì dầu
 


Thắng dầu hoạt động dựa vào nguyên tắc thủy lực : Khi bạn bóp thắng, lực bóp được tay thắng đẩy dầu từ bình dầu ở tay thắng qua piston ở tay thắng, sau đó đi xuống piston ở heo thắng ,piston bị đẩy ra ép chặt lấy dĩa thắng, khi bạn thả tay ra thì quy trình ngược lại và piston heo thắng nhả ra

Do hệ thống là thủy lực nên lực ép của piston rất mạnh, ko nhưng các loại thắng kéo cáp, và nó cũng ko bị tình trạng như là dây bị rỉ sét, bị dơ, giãn dây như các loại thắng kéo cáp. Nó chỉ có 1 nhược điểm là có thể bị xì dầu nhưng mình thấy xác suất đó ít hơn hẳn
 


Có clip này cho dễ hình dung, này là cấu tạo của thắng xe hơi nhưng xe đạp thì nó cũng tương tự vậy

III. Các thông số cần lưu ý khi sử dụng thắng dĩa xe đạp

Thắng dĩa xe đạp nó có khá nhiều thông số rối rắm mà những bạn mới chơi rất dễ nhầm lẫn, dẫn đến tình trạng mua về mà ko gắn dc, nó bao gồm
- Chuẩn ngàm bắt thắng dĩa
- Tay bắt thắng dĩa
- Loại dĩa thắng
- Loại bố thắng
- Loại dầu thắng

1. Các chuẩn ngàm bắt thắng dĩa :
- Đây là cái hay bị nhất, thường là mua sườn flatmount mua heo PM, hoặc ngược lại, do cầu dành cho 2 chuẩn này nó khó tìm ở VN nên nếu mua trúng trường hợp này thì ko gắn dc
 

Hiện nay ngàm bắt thắng dĩa xe đạp nó phân ra làm 3 loại chính, đó là : ngàm IS , Ngàm Postmount và ngàm Flatmount trong đó thì :
 

- Ngàm IS thường dùng cho các dòng xe touring, đặc điểm là ốc bắt ngang
 

- Ngàm Postmount thường dùng cho xe MTB, đặc điểm là ốc bắt dọc
 


- Ngàm Flatmount thường dùng cho Road / Gravel

Về chuẩn trên sườn thì có 3 loại là IS / PM ( Postmount ) / FM ( Flatmount ), còn chuẩn trên thắng thì có PM và FM ( các dòng thắng mới bây giờ đa số đã bỏ chuẩn IS )

Vậy nếu sườn bạn dùng cùng chuẩn với thắng, thì bạn sẽ ko cần dùng cầu chuyển, mà có thể gắn trực tiếp ( trừ khi bạn muốn dùng dĩa lớn thì phải dùng thêm cầu )
VD sườn bạn là chuẩn PM, bạn dùng thắng chuẩn PM thì có thể gắn trực tiếp, ko cần cầu. Tương tự cho FM
Còn nếu sườn bạn dùng chuẩn IS, thắng dùng PM, thì phải dùng cầu chuyển IS to PM
Còn trong trường hợp bạn dùng sườn chuẩn PM, thắng PM nhưng bạn muốn đi dĩa lớn hơn ( 180, 203 ) thì bạn sẽ cần cầu chuyển PM to PM tương ứng
Cầu chuyển IS sang PM và PM sang PM khá thông dụng và dễ tìm, chỉ có chuẩn FM là nó khá là khoai
 

VD đây là phuộc trước dùng chuẩn IS, sau khi gắn cầu chuyển thì có thể bắt được thắng chuẩn PM

 

Tương tự cho thắng phía sau

IS sang PM nó sẽ có 3 loại cầu, đó là 0mm, 20mm và cầu cho thắng 203
 

0mm dùng để chuyển từ IS sang PM với kích thước dĩa chuẩn
VD như thông số sườn bạn nó ghi phuộc trước hỗ trợ dĩa 160mm, phía sau hỗ trợ dĩa 140mm, thì nếu gắn dĩa trước 160mm, sau 140mm thì bạn sẽ cần 1 cặp cầu IS sang PM 0mm

 

Loại thứ 2 là 20mm, nó sẽ chuyển từ IS sang PM và hỗ trợ đi dĩa lớn hơn 20mm, VD dĩa trước từ 160mm sang 180mm và dĩa sau từ 140 lên 160mm
 


Loại thứ 3 là dành cho dĩa 203 trước hoặc 180mm sau, loại này sẽ chuyển từ 160mm dĩa trước thành dĩa 203 hoặc 140mm sau thành 180mm

Còn nếu sườn PM / thắng PM thì bạn chỉ cần dùng cầu trong trường hợp muốn tăng kích thước dĩa, tương tự ta cũng có tăng tứ 160 sang 180 / 140 sang 160 và 180mm sang 203mm
 

Về ngàm FM, nó lại chia ra thành FF ( Front Flat - gắn thắng trước ) và RF ( Rear Flat - gắn thắng sau )
 


Như đã nói ở trên, IS sang PM thì khá dễ dàng vì các loại cầu đều thông dụng, nhưng trong trường hợp bạn có thắng FM nhưng lại muốn gắn là sườn IS thì sao ? hoặc thắng PM nhưng muốn gắn lên sườn FM thì sao ?

Trong trường hợp thắng FM gắn sườn IS thì cũng có cầu

 

Hiện tại Batshop đã có cầu IS sang FM CNC phục vụ 1 số dân chơi biến thái
 

Còn trong trường hợp sườn PM, thắng FM thì bạn sẽ cần cầu loại này
 


 

Còn trong trường hợp sườn FM, thắng PM thì bạn sẽ cần cầu loại này 

 

1 trường hợp nữa mình đã gặp là tay thắng mua về ko gắn dc vì vướng tay đề, nghe nó hơi ngu nhưng thật sự là có . Đó là 1 anh khách hàng wa mua bộ thắng M8100 xong về ko gắn dc với tay đề Rohloff . Nên bạn nào mua thắng dùng với Rohloff thì phải chú ý cái này :

 

Đây là tay đề Rohloff , nó thuộc loại tay vặn nên khá to và bự
 






Còn đây là thiết kế tay thắng của các dòng Shimano mới như M6100 / M7100 / M8100, có thể thấy là vị trí của cùm bắt vào ghidong nó nằm ở giữa tay thắng, nên khi gắn với tay đề Rohloff thì nó bị vướng ko gắn dc
 

Những tay đời cũ như M6000 / M7000 / M8000 với thiết kế cùm bắt nằm ở ngoài thì gắn dc, ko vướng

2. Các loại dầu thắng
- Dầu thắng xe đạp sử dụng loại chính là dầu DOT và dầu khoáng ( Mineral ), và 2 loại dầu này ko dùng thay thế cho nhau dc. Nếu thắng bạn dùng dầu DOT thì bạn phải dùng đúng loại dầu đó. Thường loại dầu sẽ dc nhà sản xuất in ngay trên bình dầu để tránh tình trạng bơm nhầm dầu, trong trường hợp ko có thì bạn nên google trước khi mua dầu hoặc bơm dầu

 

VD như con TRP Slate 4 của mình thì nó dùng dầu Mineral 

Vậy dầu DOT và dầu Mineral khác nhau chỗ nào ?
Đầu tiên là về nhiệt độ sôi hoặc là điểm sôi, tức là ở nhiệt độ đó chất lỏng sẽ bắt đầu hóa thành thể khí. Như nhiệt độ sôi của nước là 100 độ C

table of dot brake fluid boiling points

Chúng ta có bảng so sánh nhiệt độ sôi của các dòng dầu DOT, dầu trong thắng xe đạp thường dùng DOT 4 hoặc DOT 5 / 5.1. Các bạn lưu ý có 2 cột, 1 là Dry ( khô ) và Wet ( ướt )

table showing mineral oil brake fluid boiling temperatures

Còn đây là bảng nhiệt độ sôi của dầu Mineral. Không như dầu DOT là là quy chuẩn chung, dầu Mineral nó ko có quy chuẩn mà mỗi hãng sẽ có loại dầu Mineral riêng, VD như Shimano Mineral nhiệt độ sôi là 280 độ C, còn Magura Dòng Máu Hoàng cmn Gia gì đó thì nhiệt độ sôi lại chỉ có 120 độ C

Dầu có nhiệt độ sôi càng cao thì càng tốt, nhất là trong các trường hợp các bạn thắng liên tục ( mình từng chứng kiến 1 thanh niên đổ đèo Triệu Hải bị sôi dầu thắng dẫn tới mất thắng, đổ nước vào thắng bốc khói luôn ) . Vì khi dầu đạt đến nhiệt độ sôi thì nó sẽ chuyển từ chất lỏng sang khí, làm tăng thể tích dẫn đến bóp thắng thì piston nó ko di chuyển được nữa ==> mất thắng

Trở lại với bảng phía trên của dầu DOT, tại sao dầu DOT là có 2 bảng nhiệt độ sôi ? Đó là do đặc tính của dầu DOT là nó hòa tan dc nước. Hệ thống thắng dầu tuy kín nhưng xài lâu ngày nước sẽ vẫn thâm nhập vào trong , và dầu DOT dc gọi là Wet khi nó chứa trên 3.7% nước / tổng thể tích . Và khi có nước vào thì nhiệt độ sôi của dầu DOT sẽ bị giảm nghiêm trọng, do nhiệt độ của nước chỉ có 100 độ C. Và khi nước đạt 8% trên tổng thể tích thì nhiệt độ sôi của DOT giảm xuống còn 100* C

graph impact of water content on dot brake fluid boiling point

Biểu đồ thể hiện nhiệt độ sôi giảm khi % nước bị hoàn tan trong dầu DOT tăng lên

Vậy tại sao dầu Mineral lại ko có bảng nhiệt độ sôi Wet như DOT ? Lí do là dầu Mineral ko hòa tan nước, nước khi lọt vào nó sẽ tụ lại 1 chỗ chứ ko tan, vậy phải chăng là dầu Mineral tốt hơn DOT ? Thật ra hoàn toàn là không, dầu DOT hòa tan nước vẫn tốt hơn là dầu Mineral nó tụ nước lại 1 chỗ, vì khi đó nước nó sẽ gây ăn mòn các chi tiết bên trong thắng. Và với cùng 1 lượng nước trong dầu thắng thì nhiệt độ sôi của dầu DOT nó sẽ được dàn đều, còn  khi nước vào trong hệ thống dầu Mineral, do nước nặng hơn dầu nên nó sẽ có xu hướng chìm xuống, cụ thể là nó sẽ tụ lại ngay chỗ ... con heo dầu , mà con heo dầu chính là nơi tỏa nhiệt nên khi đó nhiệt độ sôi của cả hệ thống thắng chính là nhiệt độ sôi của nước, do nước sẽ sôi ngay lập tức ở 100 độ C
 

Xúc rửa 1 bộ thắng Tektro xài dầu Mineral tại Batshop, các bạn có thể thấy phần nước và cặn bẩn đọng lại phía dưới

Do đó dù là sử dụng dầu Mineral hay dầu DOT thì các bạn cũng nên vệ sinh, thay dầu thắng sau khoảng 1 đến 2 năm tùy đi ít hay nhiều. 1 lưu ý nữa là dầu DOT có khả năng hút nước trong không khí, nên nếu dùng ko hết thì phải vặn chặt nắp và để ở nơi khô thoáng, và nên bỏ sau 12 tháng kể từ ngày mở nắp, còn dầu Mineral thì bạn ko cần quan tâm đến chuyện đó

IV. Các loại dĩa thắng xe đạp 

Hôm nay chúng ta sẽ bàn về các loại dĩa thắng của xe đạp
Nói về cách gắn thì chia ra làm 2 loại là dĩa Centerlock và dĩa 6 ốc
Nói về kích thước thì nó lại chia ra làm 4 kích thước là 140mm / 160mm / 180mm / 203mm
Mỗi loại dĩa tùy vào hãng sẽ lại có những công nghệ khác nhau

1. Centerlock vs 6 ốc
Đây là 1 thông số quan trọng các bạn cần chú ý để chọn mua dĩa thắng, vì đùm xài dĩa Centerlock sẽ ko gắn được dĩa 6 ốc và ngược lại ( có thể dùng mount chuyển, nhưng cái gì liên quan đến an toàn thì mình nghĩ ko nên dùng mount )

Hiện mình đang dùng cả 2 loại dĩa này, con Scott đang dùng centerlock, còn con Muskeeter và Karakoram thì dùng 6 ốc, vậy 2 loại này khác nhau chỗ nào và ưu nhược điểm ra sao ?

Đây là dĩa centerlock mã RT-54 của Shimano 
 

Đây là dĩa 6 ốc mã RT-56 của Shimano 

Centerlock nó sẽ dùng 1 lockring bằng nhôm để khóa dĩa vào đùm
6 ốc nó sẽ dùng 6 con ốc bằng thép để khóa dĩa vào đùm

Nhìn sơ qua thì dĩa centerlock sẽ tháo / lắp nhanh hơn dĩa 6 ốc vì bạn chỉ phải thả cái dĩa vào đùm ==>  xoay cái lockring ==> lấy cây cảo xiết cứng là xong
Còn với 6 ốc thì bạn phải bỏ cái dĩa vào đùm, canh cho đúng 6 lỗ ốc, vặn 6 con ốc vào, sau đó xiết chặt luân phiên từng con ( xiết đều lực cả 6 con từ từ chứ k phải xiết cứng 1 con ) nên mất thời gian hơn. Chưa kể sẽ có tình trạng ốc lâu ngày quá nó rỉ hoặc xiết cứng quá mở ko ra ==> tuôn đầu ốc ( đầu ốc dĩa thắng xe đạp đa số xài chuẩn ốc bông T25 vặn quá tay là tuôn đầu )

Vậy có thể thấy là dĩa centerlock lắp đặt dễ dàng và nhanh hơn 6 ốc, nhưng ...
Nếu bạn đang ở nhà và có đầy đủ tool thì ko nói, còn nếu đang đi xa mà gặp sự cố cần tháo dĩa, thì thường các bộ tool xe đạp sẽ có sẵn đầu T25, hoặc bạn có thể mua đầu vặn T25 ở các cửa hàng dụng cụ, còn cái cảo để mở cái centerlock trừ những cửa hàng xe đạp chuyên dụng ( như Batshop :))) ) thì bạn sẽ ko thể tìm được ở ven đường đâu
Và cái centerlock nó lại chia ra làm 2 loại

1 loại cảo trong ( dùng chung cảo với mở cối líp )


Đây là Centerlock ring cảo trong, nó dùng cảo cối líp HG của Shimano để mở

 

Còn đây là centerlock ngoài, nó dùng cảo BB Shimano 44-16 ( đường kính 44-16 răng , chuẩn BB thông dụng của Shimano như BB51 / BB52 / MT500 / MT800 vvv ) để mở

Vậy tại sao lại có đến 2 loại lockring ( dĩa thì như nhau ). Nguyên nhân là lúc đầu các đùm xe đạp đều dùng loại ti nhỏ QR ( 9x100 - 10x135 với đường kính cây ti là 5mm ), nên cái lockring lúc đầu thiết kế để dùng với cảo trong

Nhưng sau đó đùm lại đẻ ra loại ti lớn axle với đường kính là 15x100 ( hoặc 110 ) và 12x142 ( hoặc 148 ), nếu là đùm sau với đường kính ti là 12mm thì vẫn dùng loại lockring cảo trong để mở dc, nhưng nếu là đùm trước với ti 15mm thì ko cảo được do đường kính cây ti nó lớn ko nhét cái cảo vô ==> phải dùng cảo ngoài. Do đó nếu mua dĩa thắng centerlock sử dụng đùm trước axle thì bạn phải chọn mua loại lockring cảo ngoài thì mới gắn được 

Về trọng lượng : có thể nói 2 loại ko chênh lệch nhau mấy ( mình đang so sánh 2 loại cùng 1 phân khúc của cùng 1 hãng )

Giờ chúng ta sẽ nói về lịch sử : chuẩn 6 ốc ra đời trước và đã tồn tại từ khi thắng dĩa xe đạp ra đời, còn centerlock chỉ mới được phát mình bởi Shimano từ năm 2002 ( do đó các lockring đều dùng chuẩn cào của Shimano ), vậy dĩ nhiên ra đời sau thì nó phải có ưu điểm hơn đời đầu

Ưu điểm đầu tiên, mình đã nói ở trên : chuẩn centerlock giúp bạn lắp đặt dĩa thắng nhanh chóng hơn 6 ốc
Ưu điểm thứ 2 là bạn sẽ chỉ phải canh lực 1 lần duy nhất, thay vì canh đều lực cả 6 con ốc. Dĩa 6 ốc có thể có tình trạng xiết ko đều khiến con chặt con lỏng ( mình từng gặp 1 trường hợp dĩa 6 ốc chỉ còn 4 con, rơi đâu mất 2 con ốc )
Ưu điểm thứ 3 : đó là Centerlock nó chịu lực tốt hơn 6 ốc, vì diện tích tiếp xúc của dĩa thắng và đùm nó chịu lực dàn đều , còn 6 ốc nó sẽ chịu lực vào 6 con ốc, do đó dĩa centerlock sẽ ít bị biến dạng khi sử dụng lâu như 6 ốc
Dĩa centerlock sẽ tản nhiệt tốt hơn dĩa 6 ốc ( đang so sánh giữa 2 loại ko có công nghệ tản nhiệt như 2 cái dĩa mình chụp phía trên ), vì lockring và phần trục của dĩa centerlock đều bằng nhôm nên nó hỗ trợ 1 phần tản nhiệt
Hiệu suất thắng thì cả 2 như nhau, vì phần dĩa thắng tiếp xúc với bố thắng là như nhau
Về giá cả thì cùng 1 loại thì dĩa Centerlock sẽ có giá cao hơn 6 ốc, do chi phí chế tạo phức tạp hơn
Về độ phổ biến và dễ tìm thay thế thì 6 ốc vẫn dễ tìm hơn
 


Các bạn có thể chuyển từ dĩa 6 ốc sang centerlock nếu dùng mount chuyển, tuy nhiên với những gì liên quan đến an toàn thì mình nghĩ cứ nên mua đúng thiết kế nguyên bản, đừng chuyển gì hết

2. Size dĩa thắng
 


Như đã nói ở trên thì size dĩa thắng xe đạp có 4 size là 140mm / 160mm / 180mm / 203mm , trong đó MTB đa phần sử dụng từ 160mm trở lên ( 140mm thường dùng cho road / gravel, với lí do là dĩa càng nhỏ thì càng nhẹ )

Việc lựa chọn size dĩa thắng cũng là 1 điều quan trọng, k phải muốn gắn dĩa nào là gắn, bạn phải coi cái sườn / cây phuộc của bạn có hỗ  trợ hay không ( nhất là dĩa sau, 1 số sườn lên dĩa sau 180mm sẽ bị cấn heo ), tốt nhất nên đọc geometry của sườn / phuộc xem nó hỗ trợ dĩa max là bao nhiêu rồi hãy đi mua dĩa

- Dĩa càng lớn thì càng nặng
- Dĩa càng lớn thì càng dễ cong dĩa
- Dĩa càng lớn thì hiệu suất thắng càng cao
- Dĩa càng lớn thì tản nhiệt càng tốt
- Dĩa càng lớn thì nhìn càng đẹp
- Dĩa càng lớn thì giá càng cao

Để gắn dĩa lớn hơn thì các bạn sẽ cần sử dụng cầu dĩa thắng tăng kích thước dĩa ( đã viết ở phía trên ). 
Vậy để chọn loại dĩa thắng phù hợp với xe bạn, thì đầu tiên phải xem thông số là cái sườn / phuộc đó hỗ trợ dĩa kích thước nào
Sau đó mới tính đến nhu cầu sử dụng của bạn :
- Chỉ đi đường ko dốc nhiều, muốn xe gọn, nhẹ thì đi dĩa nhỏ, như trước 160 - sau 140 hoặc trước sau 160
- Nếu đi đường sử dụng thắng nhiều, thắng gấp thì đi dĩa lớn, như trước 180 sau 160 hoặc trước sau 180 hoặc trước 203 sau 180

Cả 3 xe mình đang đi mình đều set ở trước sau 180mm hết, vì 3 con mình đi đều là bánh 29, gắn dĩa nhỏ vô thì nhìn xấu, mà gắn 203 thì lại sợ cong dĩa ( không có tiền mua dĩa xịn ), mình thấy đi 180-180 là phù hợp với nhu cầu của mình

1 lưu ý hơi tế nhị nữa là bạn nào nặng cân thì nên đi dĩa lớn và đầu tư 1 bộ thắng tốt tốt, vì nguyên tắc là vật càng nặng thì gia tốc càng cao, do đó để dừng 1 cái xe chở 1 bạn nặng kí thì phải cần 1 lực thắng mạnh hơn xe 1 bạn nhẹ kí ( mình từng gặp 1 bạn nặng 120kg hỏi sao xe em bóp thắng nó cứ trôi đi, trong khi mình leo lên bóp phát thì ăn ngay ). Theo khuyến cáo thì nếu bạn nặng từ 80kg trở lên thì nên dùng dĩa thắng 160mm trở lên, vì khi đó dĩa 140mm sẽ ko đủ lực thắng

1 lưu ý khác nữa là : 1 số dòng dĩa thắng nó có khắc chữ : Resin Pad only ( đa phần là mấy dòng bèo bèo như RT56 mình đang xài ), tức là dĩa này chỉ sữ dụng với bố thắng resin ( mình sẽ bàn về chất liệu của các loại bố thắng ở 1 bài khác ). Vậy giờ tui ko thích dùng bố resin, tui dùng bố metal được không ? Câu trả lời là vẫn được, nhưng ...

Các dòng dĩa thắng có chữ Resin Pad only thường là những dòng dĩa cấp thấp nên nó sẽ phù hợp với việc sử dụng thông thường hoặc đua bơi văn nghệ ( như mình chơi offroad kiểng văn nghệ thì vẫn đi ầm ầm ), nên dĩa nó sẽ bỏ qua các bước xử lý gia nhiệt để tăng độ cứng cho dĩa .

À mà thôi nói sơ cái, chất liệu để làm bố thắng dĩa xe đạp chủ yếu có 2 loại, đó là resin ( bột nhựa ) và metal ( bột kim loại ), và 1 loại lai giữa resin và metal 
Bố resin thì ưu điểm là rẻ, thắng êm ( tiếng êm ), đỡ mòn dĩa thắng, nhưng bù lại chịu nhiệt kém
Bố metal thì ưu điểm là chịu nhiệt tốt, thắng gấp quá thì nó kêu nghe rất chói tai , và bào dĩa rất nhanh, do đó dĩa sử dụng với bố metal thì phải trải qua nhiều công đoạn xử lý cũng như xài vật liệu xịn hơn thì mới chịu nổi độ bào của cái bố metal

Do đó nếu bạn dùng dĩa Resin only pad với bố metal thì cái dĩa sẽ bị bào mòn rất nhanh do dĩa thắng nó "mềm" hơn các loại dĩa chuyên dùng cho bố metal

img_1886

Dĩa dỏm mà xài bố xịn thì mau thay dĩa lắm

 

Về thiết kế thì phần dĩa thắng đa phần sẽ được CNC rỗng với công dụng là giảm trọng lượng cho dĩa , tăng khả năng giải nhiệt, cũng như là lỗ để nước, sình cát thoát ra
Phần CNC càng nhiều thì dĩa càng nhẹ
Phần CNC càng nhiều thì dĩa càng yếu 
Phần CNC càng nhiều thì càng bào bố nhanh hơn

Về chất liệu thì đa số các dĩa thắng xe đạp vẫn sử dụng chất liệu là thép cho phần tiếp xúc với bố thắng. Các loại dĩa xịn thì sẽ dùng thêm phần mount bằng nhôm với tác dụng là giảm trọng lượng dĩa cũng như tăng khả năng tản nhiệt cho dĩa, như cái dĩa SRAM phía trên
 


Các dòng dĩa cao cấp hơn nữa thì sẽ có nhiều công nghệ tản nhiệt hơn, như dòng này có thêm các lá nhôm để tăng hiệu quả tản nhiệt
 

Hiện đã có loại dĩa thắng sữ dụng chất liệu carbon nhưng chỉ dùng cho xe road, cái này mình chưa thấy cũng chưa thử bao giờ nên chỉ thông tin vậy thôi, mình team ăn chắc mặc bền nên ko dám chơi 3 cái đồ carbon này

3. Khi nào thì bạn cần thay dĩa thắng ?

- Loại trừ những nguyên nhân hư hỏng như cong dĩa thì dĩa thắng sẽ cần thay thế sau 1 thời gian sử dụng do bị mòn do ma sát của bố thắng và dĩa thắng. Mỗi hãng, mỗi loại dĩa sẽ có quy định là độ dầy dĩa tối thiểu là bao nhiêu thì phải thay, nhưng thường là dưới 1.5mm là phải thay dĩa vì khi đó dĩa nó đã quá mỏng để có thể hoạt động an toàn. 

Ngoài ra dĩa thắng khi sử dụng lâu sẽ có tình trạng bị quăng ( dĩa ko thẳng ), cái này là hoàn toàn bình thường vì mỗi khi bạn bóp thắng thì cái dĩa chịu 1 lực tác động rất mạnh, lâu ngày nó sẽ khiến cái dĩa bị quăng dẫn đến cạ dĩa vào bố thắng. Nếu bị nhẹ thì các bạn có thể sử dụng cái tool nắn dĩa để nắn lại. Tuy nhiên cái này đòi hỏi phải có tay nghề và kinh nghiệm , còn ko bẻ 1 hồi là đi luôn cái dĩa á

Cách khắc phục khi dĩa bị láng : Tức là cái dĩa bị bố thắng mài sao đó mà nó láng quá đến mức ko ăn nữa thì cách bạn có thể lấy giấy nhám mịn đánh nhẹ bề mặt để mài cái lớp láng đó đi ( dĩ nhiên là dĩa vẫn còn trong độ dày cho phép ) thì nó sẽ khắc phục được, còn k khắc phục dc thì đi mua dĩa mới thôi

1 lưu ý nữa, đó là nếu cái dĩa bạn đang sử dụng với bộ thắng này, VD như là thắng Shimano MT200, sau đó bạn dối vợ thụt két mua được bộ M8100 thay vào thì là thắng nó sẽ kêu két két, 2 là hiệu suất thắng nó sẽ ko được 100%, đó là do khi hình dạng cái bố thắng MT200 nó khác hình dạng bố thắng M8100, do đó cái bố MT200 nó sẽ mài mòn cái dĩa thắng của bạn theo kiểu MT200, nên khi gắn thắng M8100 dùng bố loại khác thì cái bố thắng nó sẽ ko ăn đúng theo vết mòn của bố cũ, dẫn đến tình trạng trên 

Thui đi ngủ ... rảnh viết tiếp về bố thắng nha bà con

Bình luận

Phan Ngọc Châu 22/01/2024

Người ta nói... Làm bạn với Chú Nam (batshop) như có trong tay 1 cuốn Cẩm Nang về xe đạp...
Quả không sai.. Nhưng mà.. Ở xa Tít mù tắp... Thi chỉ có nhờ và qua Internet....!
Nhung mà nhiều lúc hỏi xong chờ dài cổ kg thấy Chú Ấy nói gì..... 😭

Mai anh kha 01/09/2023

Hay quá ad ơi, bài viết rất chi tiết luôn , như nước ngoài vậy