Xe MTB là gì ? Xe MTB có các dòng nào ? Dòng xe MTB nào là phù hợp với nhu cầu của bạn ?

Có 1 cái myth lan truyền sau lưng Batshop đó là Batshop  chuyên ráp xe touring nhưng chủ sốp lại ko hề chạy touring mà toàn chạy MTB, mà sốp chạy MTB nhưng lại chả bao giờ thấy đi thi hay đua bơi Cái này mình xác nhận là đúng, vì đơn giản là mình thích dòng xe MTB và mình thích đi tour bằng MTB, và xe MTB nó đáp ứng dc những nhu cầu của mình, còn đua bơi thì trình còi với sợ té, mà té là hay khóc lắm nên đi đua chỉ thêm nhụt thôi nên ko đua

Chiếc xe đạp đầu tiên mình có, đó là con MTB dc người nhà gửi bên Mỹ về hồi lớp 5, lúc đó mình chạy xe đó thấy ngầu nhất xóm có điều xe đó ko chở dc crush nên crush lớp 6 vẫn mãi là crush
Chiếc xe đạp thứ 2 mình có là 1 con 2 phuộc hàng tàu tự dành dụm tiền mua ở Bùi Hữu Nghĩa vào năm lớp 8 đâu như khoảng 700 hay 800k gì đó, lúc đó con 2 phuộc Martin 107 bán là 1tr400 thì phải . Cách đây hơn 20 năm thì 1tr4 là 1 cái gì đó mà 1 đứa học sinh lớp 8 ko thể nào với tới dc nên chỉ đành ngó em Martin trong mơ ước mà thôi. Xe vẫn ko chở dc crush nên đó vẫn tiếp tục là 1 câu chuyện buồn ( Hồi đó thì 1 số đứa vẫn chở dc gái trên xe MTB nếu sườn k có phuộc, ngồi trên gióng ngang ấy, nhưng xe mình có phuộc nên .... )
Con xe thứ 3 thì là con Cannodale Trail 5 mua cách đây 8 năm, kì đó mua nhầm size L thì phải nên chạy dc 1 tháng bán luôn. Sau đó lại tiếp tục đi mua 1 con Cannodale Lefty 2 phuộc cũng size L, chắc chạy dc nửa năm xong cất kho. Sau đó lại ráp 1 con Motobecane full titan phuộc cứng dùng để đi tour, con này mình cũng mua lố size là size 18. Đến con thứ 6 thì mới đi đúng size là 1 em Scott Scale 950 size S, con thứ 7 thì là 1 em LKLM Muskeeter , con thứ 8 thì là 1 em BlackSnow Karakoram và con thứ 9 là 1 em BigRock carbon. Hiện giờ mình chỉ còn giữ lại 2 em là BlackSnow Karakoram phuộc cứng, single speed cho cày cuốc và em BigRock 1x12 có phuộc trước cho nhu cầu offroad. Hiện đang có plan build 1 em 2 phuộc nhưng tình hình củi lửa đang căng thẳng quá nên chỉ dừng lại ở mức lập kế hoạch

Nói cho dong dài thì tóm lại là gần chục chiếc xe đạp mình đã chạy qua thì toàn bộ là MTB, nhưng tại sao lại là MTB mà ko phải là dòng xe khác ?

I. MTB là gì ?
MTB - not MTP - là viết tắt của Mountain Bike - tiếng việt hay gọi là xe leo núi. MTB nó sinh ra để đi những cung đường offroad với các yêu cầu như : Khung sườn cứng, chắc, chịu va đập nhưng phải ko quá nặng, vỏ lớn, gai lớn để bám đường, tùy vào dòng xe mà sẽ ko có phuộc, có 1 phuộc, hoặc 2 phuộc, bộ groupset trên xe nó sẽ ko thiên về tốc độ, và thiên về dải tỉ số truyền lớn để giúp leo dốc, vượt chướng ngại vật. Nó cũng ko thiết kế để gắn baga, gắn chống vì những thứ đó ko cần thiết cho 1 chiếc MTB, tư thế ngồi sẽ là khom lưng và chồm về phía trước vì sườn MTB nó thiết kế trọng tâm thấp để dễ điều khiển và giữ vững xe, và MTB có chainstay ( gióng phía dưới sợi sên ) ngắn để giúp xe dễ điều khiển cũng như leo dốc, nên nó ko phù hợp để gắn baga treo túi, vì dễ bị cạ chân vào túi khi đạp

Fact : Xe đạp MTB còn có tên khác là ATB ( All  Terrain Bike - Tức là xe đa địa hình ), mình nghĩ là cái tên này chính xác hơn vì Mountain chỉ là 1 trong những địa hình mà xe MTB có thể chạy 

Mình đã gặp rất nhiều bạn chạy MTB qua shop yêu cầu thay đồ trên xe để phù hợp với nhu cầu như là :
- Thay dĩa lớn hơn để đạp được nhanh hơn
- Thay vỏ nhỏ hơn, gai láng hơn để đạp nhẹ hơn
- Nâng cổ phuộc để tư thế ngồi dc thẳng lưng hơn
- Gắn thêm baga, thêm chống, thêm dè chắn bùn
vvvv....

Có 1 số yêu cầu làm dc, có 1 số thì ko, vì xe MTB nó ko sinh ra để phục vụ cho chuyện đó. Như sườn MTB đi 1 dĩa thì đa số chỉ đi dc dĩa max là 36 răng, lên 38 trở lên thì sẽ bị cấn vào sườn, hoặc 1 số sườn ko có lỗ gắn baga, ko có lỗ gắn dè , hoặc nếu có thì nó cũng ko thiết kế để tải nặng được. Xe MTB có những ưu điểm, cũng như nhược điểm. Cũng như mình cách đây 6 7năm, mình đã cố gắng ép uổng em Motobecane từ 1 con MTB thành 1 con touring phải gắn dc baga và chống. Làm thì vẫn làm dc, nhưng giờ nhìn lại thì mình thấy setup của xe mình cách đây 6 7 năm nó rất gớm và dị hợm
 

 

 
có 1 sự dị hợm ko hề nhẹ khi biến 1 con MTB thành 1 con touring full baga full túi. Đây là setup trong chuyến đi Cam Lào Thái lần đầu tiên của mình vào năm 2016, lúc đó mới chơi xe dc 1 năm thôi nên vẫn còn trẻ trâu lắm

Tiếp tục, MTB là 1 chiếc xe sinh ra để đi offroad, mình là 1 đứa thích đi đây đi đó, nhưng mình thích đi những cung đường ko có người, ko có xe cộ, ko có nhà cửa, mình thích đi ẻ ở những nơi mà người ta ko dùng giấy mà chỉ dùng lá cây với khe nước chảy, nên xe MTB nó phù hợp với nhu cầu của mình

VẬy MTB có đi onroad dc ko ? Dĩ nhiên là được, nhưng nếu chạy MTB onroad  để tập thể dục mỗi ngày thì bạn đang lãng phí chức năng của chiếc xe cũng như túi tiền của bạn, vì xe MTB nó ko thiết kế để đi tập thể dục mỗi ngày : Vỏ nó sẽ mòn nhanh hơn vì gai lớn, sên, líp, dĩa cũng sẽ hao mòn nhanh vì nếu chạy tốc độ mỗi ngày thì bạn sẽ chỉ dùng 3 líp nhỏ nhất là nhiều ( mình đang nói đến 1 chiếc MTB đúng nghĩa sử dụng bộ truyền động 1x12 ), phuộc nhún khi chạy onroad ko có tác dụng gi ngoài chuyện nặng và làm mất lực đạp cũng như tốn công bảo trì

Nhưng sau tất cả những chuyện đó, bạn vẫn muốn chạy MTB, đơn giản vì nó ngầu và bạn thích. Câu trả lời là dc, vẫn có dòng xe MTB phù hợp với bạn để bạn chạy mỗi ngày, đó là lí do tại sao mình có 2 chiếc MTB, 1 chiếc single phuộc cứng và 1 chiếc hardtail ( 1 phuộc ) để chạy offroad. À từ giờ mình sẽ gọi dòng 1 phuộc là hardtail và dòng 2 phuộc là full sus ( full suspension ) cho ngắn gọn .

Về cơ bản thì MTB nó chia làm 4 loại dựa vào cấu tạo, và 5 loại tùy vào địa hình và hành trình phuộc, cụ thể là :
1. Xe phuộc cứng ( Rigid )
2. Xe chỉ có 1 phuộc trước ( Hardtail )
3. Xe có phuộc trước và khung sườn ko sử dụng phuộc nhún, nhưng có khả năng hấp thụ lực ( Softtail )
4. Xe có phuộc nhún phía trước và nhún phía sau trên sườn ( Full Suspension )

Về loại xe ( địa hình chạy ) thì tùy vào hành trình phuộc trước mà sẽ chia ra làm :
1. Cross-Country hay còn gọi là XC : Hành trình phuộc 100-120mm, dòng này hardtail là đủ chạy
2. Trail / All Mountain : Hành trình phuộc 120-150mm
3. Enduro : Hành trình phuộc 150m - 170mm
4. FreeRide : Hành trình 170-200mm
5. DownHill - Hành trình 190-200mm
 

1. Xe phuộc cứng ( Rigid )

1 số bạn vẫn cho rằng xe MTB là phải có phuộc nhún, nhưng thật ra MTB vẫn có dòng sử dụng phuộc cứng với những ưu điểm :
- Dành cho các bạn chạy onroad chủ yếu nhưng thích dáng MTB
- Nhẹ ( phuộc cứng carbon tầm 400-600gram, phuộc nhôm tầm 600 700gram, phuộc thép tầm 1kg-1kg2 so với phuộc nhún bèo lắm phải gần 2kg phuộc hơn đến 3kg nếu dùng lò xo )
- Không phải bảo trì bảo dưỡng, ko có khả năng hỏng, xì dầu như phuộc nhún
- Ko bị mất lực khi chạy onroad 
 

Vậy xe xài phuộc cứng vậy có chạy offroad dc ko ? Câu trả lời là có, nếu bạn đi cập vỏ phù hợp, như con Karakoram của mình vẫn đi offroad ầm ầm, dĩ nhiên nó sẽ ko thoải mái bằng có phuộc, nhưng offroad cỡ Mã Đà thì vẫn đi tốt. Phuộc nhún trên xe đạp chỉ mới bắt đầu có từ đầu những năm 1990 và trước đó thì các thanh niên tây lông đã chơi offroad ầm ầm với phuộc cứng rồi
 

Offroad cung Bảo Lộc - Đạ Pal - Nam Cát Tiên

Và con Karakoram này mình đang đi single speed - 1 dĩa 1 líp . Vậy tại sao lại đi single speed ?
Khách hàng khi đến ráp xe tại Batshop thì điều đầu tiên mình hỏi là nhu cầu của khách là như thế nào : Ráp xe đi tập thể dục, đi làm trong thành phố, đi tour xa, đi tải nặng hay nhẹ, đi đường onroad hay offroad vvvv .. Nếu nhu cầu chỉ là đi làm , đi tập thể dục thì mình hay bảo ráp single speed đi. Vậy sao shop cứ dụ khách ráp single speed ? Bộ ráp singe speed ăn lời nhiều hơn multi speed hay sao ? Câu trả lời là ko, nhưng vì mình thấy single speed nó sẽ phù hợp với những bạn chỉ đạp thể dục mỗi ngày, hoặc hardcore hơn là đi tour 100 -200km / ngày kiêm offroad thì single speed nó vẫn đáp ứng dc
 
Mình quan niệm 1 chiếc xe giá trị của nó là nằm ở chỗ nó có đáp ứng dc nhu cầu hay ko, chứ k phải nó trị giá bao nhiêu tiền. Và khi tư vấn thì mình cũng ko tư vấn khách là Cứ hàng mắc nhất, xịn nhất mà chơi cho sướng, mà là nó phải phù hợp với nhu cầu của khách 
Nếu chỉ ráp xe chạy trong thành phố thì phuộc nhún là ko cần thiết, groupset là ko cần thiết. 1 chiếc MTB với Fox 34 và group GX 12 số là hoàn toàn lãng phí nếu bạn chỉ chạy thể dục mỗi ngày, và sợi sên cũng như cái líp 12 nó sẽ hao mòn rất nhanh, vì những dòng groupset đó nó thiết kế để chạy những cung đường ngắn nhưng khó chứ ko phải để bào đều đặn mỗi ngày thể dục, khi đó 3 líp nhỏ nhất sẽ mòn đầu tiên còn các líp lớn nhất sẽ rất ít khi dc dùng tới
Bản thân mình đã từng dùng 1 chiếc MTB 12 số chạy mỗi ngày và sên líp nó cứ nhai như ăn gỏi, nên sau đó mình đã quyết định build 1 em single speed để làm xe đi cày và 1 chiếc MTB 12 số để làm xe chơi offroad